KỲ CUỐI: Kiên quyết đấu tranh với các đối tượng cho vay lãi nặng
Công an Phú Yên đang triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, kéo dài đến ngày 14/3/2024. Trong thời gian này, lực lượng công an sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến các đối tượng cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nhóm bị can cho vay lãi nặng do Bùi Anh Tuấn cầm đầu vừa bị khởi tố. Ảnh: Công an cung cấp |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Trong số 11 vụ án, vụ việc này, Công an Phú Yên đã xử lý hình sự 1 vụ giết người, chuyển viện KSND đề nghị truy tố 1 bị can; đang điều tra 2 vụ cho vay lãi nặng với 5 bị can; xử phạt hành chính 8 vụ với 12 đối tượng. Cơ quan chức năng cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 45,5 triệu đồng.
Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm
Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Bộ Công an về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen, mới đây, Công an tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Tại hội nghị này, đại tá Võ Duy Tuấn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo kịp thời các phương thức, thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen; chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh các giải pháp hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tín dụng đen, giải quyết kịp thời các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời làm tốt công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan, ban ngành liên quan trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến hoạt động tín dụng đen…
Ngay sau khi Công an tỉnh phát động đợt cao điểm trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, các đơn vị trong ngành đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xác minh các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố hình sự 5 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Các bịcan này gồm: Nguyễn Trung Kiên (SN 2004), Bùi Anh Tuấn (SN 1989) cùng trú tại Hà Nội; Nguyễn Tuấn Anh (SN 1997), Vũ Hoàng Giang (SN 1995) cùng trú tỉnh Thái Nguyên; Đỗ Văn Dũng (SN 1988), trú tỉnh Bắc Giang. Đến TP Tuy Hòa tạm trú ở phường 9, các đối tượng này rải tờ rơi quảng cáo cho vay vốn và lập các tài khoản trên facebook quảng cáo về hoạt động này tại Phú Yên. Khi có người liên hệ, các đối tượng đến gặp họ để lấy CMND, CCCD, giấy phép kinh doanh, giấy khai sinh con... rồi chụp hình người vay để làm hồ sơ. Tùy theo nhu cầu người vay, các đối tượng sẽ cung cấp các gói vay từ 5-30 triệu đồng, với hình thức trả góp theo ngày, lãi suất dao động từ 304-365%/năm. Bước đầu cơ quan điều tra xác định Bùi Anh Tuấn cùng đồng phạm đã cho 9 người ở Phú Yên vay 1,34 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 320 triệu đồng.
Đồ họa: PV |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa cũng vừa ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 3 nghi phạm: Nguyễn Hoàng Thiên (SN 1999), Vũ Ngọc Duy (SN 1997) và Vũ Quang Khoa (SN 1997) cùng trú tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 10/2022-10/2023, các nghi phạm này đã cho nhiều người dân ở TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa, huyện Phú Hòa và huyện Tuy An vay hàng tỉ đồng với lãi suất 400-800%/năm.
Theo đại tá Võ Duy Tuấn, ngoài các vụ việc nói trên, hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ một số vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh. “Hầu hết đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh không phải là người địa phương, mà chủ yếu từ các tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang… vào Phú Yên hoạt động nên không có chỗ ở ổn định và liên tục thay đổi. Chúng tôi kiên quyết đấu tranh với các đối tượng cho vay lãi nặng và sẽ xử lý nghiêm các hành vi bao che, dung túng cho loại tội phạm này”, đại tá Võ Duy Tuấn nói.
Cân nhắc kỹ khi tìm đến các kênh tín dụng phi chính thống
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của tình hình kinh tế thế giới, đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Đây là thời điểm để hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen len lỏi vào đời sống của người dân, doanh nghiệp. Công an Phú Yên đang tiếp tục quản lý, theo dõi, điều tra một số nhóm đối tượng có khả năng, biểu hiện hoạt động tội phạm tín dụng đen. Đồng thời kêu gọi người dân mạnh dạn tố giác các hành vi cho vay lãi nặng của các cá nhân, tổ chức với các cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, mỗi tổ chức, cá nhân cần cân nhắc kỹ trước khi vay vốn và nên tìm đến những tổ chức tín dụng uy tín để bảo vệ chính mình và gia đình, tránh tiền mất, tật mang.
Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên cho biết: Các đối tượng thường dán thông tin cho vay ở các trụ điện, nơi đông người qua lại để thu hút sự chú ý của người đi đường. Nhiều người túng quẫn, không xoay xở được tiền nên họ phải bấu víu vào các đối tượng cho vay nhanh, thủ tục đơn giản như vậy. Tuy nhiên, các đối tượng này cho vay với lãi suất rất cao, có khi hơn 300-400%/năm, là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Trường hợp cho vay lãi nặng mà chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 44/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu người cho vay có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, gây thiệt hại đến tài sản hoặc đe dọa, khủng bố tinh thần người đi vay thì còn có thể bị xử lý hình sự về các tội tương ứng.
NHÓM PHÓNG VIÊN