Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ chăn nuôi tết. Với những biến động khó lường của thị trường và dịch bệnh, người chăn nuôi vào vụ sản xuất với nhiều nỗi lo.
Sản xuất cho vụ tết
Sau hơn 10 ngày khử trùng bằng vôi bột, phơi chuồng, vợ chồng ông Trần Hùng Tường ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) vừa nhập về 20 con heo giống thả nuôi cho vụ tết sắp tới. Ông Tường cho hay, thị trường heo hơi biến động liên tục, người chăn nuôi không biết đâu mà lường. Tháng trước giá heo tăng phi mã, nay lại tụt dốc không phanh. Hiện giá heo hơi trên thị trường chỉ còn 54.000 đồng/kg, hy vọng đến tết nhu cầu tiêu dùng tăng, giá heo sẽ nhích lên.
Cũng theo ông Tường, ngoài rủi ro về đầu ra, hiện nay dịch tả heo châu Phi đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành khiến người nuôi heo càng thêm lo lắng. Tuy nhiên, nếu không thả nuôi vụ tết thì những hộ chuyên nuôi heo thịt như gia đình ông không biết làm gì khác để có thu nhập, trang trải các khoản chi phí lễ tết sắp tới.
Gia đình bà Lê Thị Thủy Loan cũng ở địa phương này lại vào giống vụ tết cách đây 1 tháng, hiện heo đã có trọng lượng khoảng 35kg/con. “Nhiều năm nay, gia đình tôi không còn nuôi heo bằng cám công nghiệp mà chuyển sang nấu cháo bằng thức ăn thừa, cám gạo, rau, cây chuối… Heo nuôi bằng cách này tuy nhọc công và chậm lớn nhưng lại tiết kiệm được rất nhiều chi phí thức ăn, chất lượng thịt cũng thơm ngon hơn, được thương lái ưa chuộng. Để có heo kịp bán vụ tết, gia đình tôi vào giống sớm hơn 1 tháng so với các hộ nuôi heo bằng cám công nghiệp”, bà Loan nói.
Tương tự, các hộ nuôi gà cũng đang tất bật chuẩn bị cho vụ tết sắp tới. Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) cho biết: Sau khi xuất bán hết lứa gà vừa rồi, gia đình tôi đã vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đặt mua con giống để thả nuôi vụ tết. Hiện là thời điểm vào vụ nên gà giống hút hàng, tăng giá. Gia đình tôi vừa nhập 2.500 con giống hết 42,5 triệu đồng. Lứa gà này sau 3 tháng nuôi sẽ đạt trọng lượng từ 1,7-2kg/con, đảm bảo xuất chuồng.
Trong khi đó, các hộ chuyên nuôi bò vỗ béo trên địa bàn tỉnh đã vào vụ tết khoảng nửa tháng trước. Theo ông Nguyễn Văn Phụng ở xã An Phú (TP Tuy Hòa), giá bò hơi đang hạ thấp nhưng không ảnh hưởng đến những hộ chuyên nuôi bò vỗ béo như ông. “Bởi khi bò hơi hạ, tôi sẽ mua bò xác giá rẻ, sau khi được chăm sóc, vỗ béo đúng cách bò có thể tăng từ 70-100kg/con sau 3 tháng và bán ra thị trường để mổ thịt. Số lãi thu được phụ thuộc vào tỉ lệ tăng trọng của bò sau thời gian vỗ béo”, ông Phụng cho hay.
Theo Sở NN&PTNT, người chăn nuôi toàn tỉnh đang bước vào vụ sản xuất tết nên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh tăng. Hiện tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh khoảng 196.200 con; đàn heo 148.200 con, tăng 2% so cùng kỳ; đàn gia cầm khoảng 4,5 triệu con, tăng 4,4%.
Tích cực phòng dịch
Vụ chăn nuôi tết là đợt sản xuất lớn nhất trong năm, vì vậy thời điểm này, nhu cầu mua bán, vận chuyển, nhập giống cũng tăng khiến nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh tăng cao. Để bảo toàn đàn vật nuôi, người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống.
Theo bà Lê Thị Thủy Loan, không chỉ chuyển đổi khẩu phần ăn, bổ sung muối khoáng, gia đình bà còn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đàn heo được tiêm đủ vắc xin phòng dịch, được vệ sinh hàng ngày, chất thải được thu gom xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Thời gian này, người nuôi heo rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát, không để dịch tả heo châu Phi lây nhiễm vào tỉnh, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của bà con.
Còn bà Nguyễn Thị Lan cho hay: Chi phí đầu tư cho đợt nuôi này khá cao do giá gà giống tăng. Mấy ngày nay, gia đình tôi tập trung chăm sóc gà úm để giảm tỉ lệ chết. Hiện nay thời tiết nắng mưa thất thường, gà rất dễ nhiễm bệnh nên tôi phải bổ sung vitamin, khoáng chất cho gà; đồng thời tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa dịch bệnh theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh ổn định, không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm. Để kiểm soát tốt dịch bệnh, ngành Thú y đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập tỉnh, không để xảy ra trường hợp nhập lậu vào tỉnh.
Người chăn nuôi cần tích cực áp dụng các giải pháp phòng dịch cho vật nuôi, đặc biệt là chủ động phối hợp với ngành Thú y trong tiêm phòng vắc xin. Khi phát hiện vật nuôi có các triệu chứng bệnh, chết, người chăn nuôi cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để được kiểm tra, bao vây khống chế kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh |
THỦY TIÊN