Với nguyên liệu tự nhiên từ mây, tre, cói... các cơ sở sản xuất thủ công trên địa bàn tỉnh đã làm ra nhiều đồ dùng, phụ kiện có giá trị, phục vụ nhu cầu của người dân, du khách. Qua đó góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Thân thiện với môi trường
Ống hút làm từ tre là một trong những sản phẩm của Công ty TNHH Egreen (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) do chị Lê Thị Trâm sáng lập để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Theo chị Trâm, nhận thấy các sản phẩm đồ dùng làm từ tre được người dân các nước sử dụng nhiều trong khi cây tre ở các vùng nông thôn Tuy An chưa được khai thác hết giá trị nên chị nảy sinh ý tưởng làm ống hút từ tre.
Bên cạnh ống hút tre có giá 500-1.000 đồng/ống, chị Trâm còn làm nhiều sản phẩm khác từ tre như hộp đựng trà, ly, bộ ấm trà…, có giá từ 20.000 đồng/sản phẩm. Các sản phẩm này được sử dụng trong các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, được nhiều người dân và du khách lựa chọn mua về sử dụng trong gia đình, hay làm quà lưu niệm cho người thân, bạn bè.
Cũng tại xã An Ninh Tây, chị Thiều Thị Kim Tuyến, chủ cơ sở sản xuất mây tre đan Nguyên Hạnh sử dụng cây lục bình, bẹ chuối, lá buông (lá nón), cói, cỏ bàng để làm các sản phẩm đồ dùng gia đình, mũ, túi xách, balo… Chị Tuyến cho biết: Đây là nguyên liệu tự nhiên, dễ làm, lại thân thiện với môi trường và được nhiều người chọn mua nên tôi gắn bó với nghề gần 20 năm nay. Các sản phẩm do cơ sở làm ra phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân, khách du lịch và cung cấp cho một số doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho 160 lao động nông thôn.
Chị Bùi Thị Minh Nguyệt, chủ cơ sở mây tre đan Cường Thịnh (xã An Định, huyện Tuy An) cũng tâm huyết với các sản phẩm thủ công từ mây, tre. Các sản phẩm của cơ sở Cường Thịnh vừa được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 và đang làm hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Chị Nguyệt cho hay: Các sản phẩm như rổ, thúng, mẹt, lồng bàn, giỏ hoa, đũa… có giá từ 35.000 đồng đến trên 1,3 triệu đồng/sản phẩm tùy loại. Bình quân mỗi tháng cơ sở của tôi sản xuất gần 300 sản phẩm các loại.
Theo các cơ sở sản xuất, đồ dùng bằng cói, mây, tre… có thể sử dụng lâu dài, hoặc tái sử dụng nhiều lần. “Tôi thấy đồ dùng bằng tre, mây rất bền, có thể giữ được 10, 20 năm hoặc lâu hơn”, ông Trần Văn Chất (phường 6, TP Tuy Hòa) nói.
Nâng chất sản phẩm
Chị Bùi Thị Minh Nguyệt chia sẻ: Khi sản phẩm của cơ sở được khách hàng quan tâm, tôi càng nghiên cứu để cho ra nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã hơn. Bên cạnh việc đầu tư máy móc, thiết bị hỗ trợ một số công đoạn sản xuất, tôi cũng tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến, trưng bày, quảng bá để sản phẩm được nhiều người biết, sử dụng thay thế các sản phẩm bằng nhựa hay các nguyên liệu khó phân hủy.
Theo ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong quá trình sản xuất, các cơ sở sản xuất nông nghiệp nông thôn đã có những cải tiến mẫu mã, sản phẩm từ mây, tre… đáp ứng nhu cầu thị trường. Đăc biệt là gần đây, nhiều sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng cao, được công nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Thời gian tới, các cơ sở cần đổi mới về quy trình sản xuất để làm ra sản phẩm chất lượng tốt hơn, có sức cạnh tranh.
“Sở Công Thương luôn khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cung cấp ra thị trường các sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu người dùng, nhất là sản phẩm, đồ dùng làm từ nguyên liệu tự nhiên, dễ phân hủy nhằm lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ môi trường, giảm dần chất thải nhựa, khó phân hủy ra môi trường sống”, ông Võ Đình Hạnh cho biết thêm.
VÕ PHÊ