Ngay sau khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, nhiều ngân hàng thông báo cho khách hàng vay vốn để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất khá thấp. Việc này tạo điều kiện cho người vay được cơ cấu lại khoản nợ của mình với mức lãi suất hợp lý hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính lưu ý người đi vay cần tính toán kỹ chi phí trả nợ trước hạn, cũng như việc thực hiện các yêu cầu về tài sản đảm bảo cho khoản vay mới.
Cạnh tranh hút khách
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thông báo triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu.
Sau Vietcombank, BIDV cũng thông tin về việc cho vay để trả nợ ngân hàng khác. “Khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến các chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn. Đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm. Đối với khoản vay trung dài hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất vay từ 6,8%/năm”, bà Trần Thị Thanh Nguyệt, Phó Giám đốc BIDV Phú Yên cho biết.
Theo bà Nguyệt, nhằm giúp khách hàng an tâm với kế hoạch tài chính dài hạn của cá nhân và gia đình, BIDV cam kết cho khách hàng vay vốn lên đến 30 năm với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay và được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng.
Ngoài Vietcombank và BIDV, các ngân hàng thương mại khác cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Cụ thể như VietinBank triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ khoản vay sản xuất kinh doanh tại ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 5,6%/năm và từ 7,5%/năm đối với khoản vay tiêu dùng. Hay như MB triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng, khách hàng không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng, thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. ACB cũng áp dụng chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay mua bất động sản tại ngân hàng khác với mức lãi suất ưu đãi năm đầu tiên là 8%/năm...
Không dễ đảo nợ
Khi biết thông tin về việc các ngân hàng cho vay để trả nợ cho ngân hàng khác, chị Huỳnh Thị Hồng Hoa ở phường 9 (TP Tuy Hòa) đã đến một số nơi tìm hiểu thông tin. Chị Hoa cho biết: Tôi đang thế chấp chính căn nhà của mình để vay vốn trả tiền mua nhà tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Lãi suất hiện nay là 11,5%/năm, mặc dù đã giảm so với đầu năm nhưng vẫn còn khá cao so với thu nhập của gia đình. Vì vậy, khi biết tin các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay để trả nợ với lãi suất thấp hơn, tôi đã đến tìm hiểu. Lãi suất thấp hơn nhiều nhưng thủ tục không giảm là bao. Tôi vẫn phải có tài sản thế chấp khi vay ở ngân hàng mới, trong khi tài sản có giá trị duy nhất còn ở ngân hàng cũ. Muốn được giải chấp thì tôi phải xoay tiền nộp vô trả nợ nhưng biết lấy từ đâu?
Anh Nguyễn Văn Tùng ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) cũng có ý định vay vốn ngân hàng khác để trả nợ cho món vay hiện tại. Tuy nhiên, theo anh Tùng, anh mới vay chưa được 2 năm, nếu trả nợ trước hạn sẽ phải chịu phí phạt 2%. Chưa kể, để hoàn thành thủ tục vay mới, anh phải mất không ít thời gian và chi phí đi công chứng, đăng ký thế chấp…
Theo đại diện các ngân hàng thương mại, mặc dù rất cần cho vay để tăng trưởng tín dụng nhưng việc đảm bảo an toàn vốn luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, thủ tục vay vốn trả nợ khoản vay ở ngân hàng khác sẽ tương tự như giải ngân khoản vay mới. Ngân hàng sẽ thẩm định tài sản đảm bảo lại từ đầu, kể cả khách hàng dùng tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng cũ làm tài sản đảm bảo cho khoản vay mới.
“Quy định về cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác đòi hỏi cả tổ chức tín dụng lẫn khách hàng phải thực hiện nghiêm, tuân thủ đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc này một mặt đòi hỏi các ngân hàng không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tiện ích, rút ngắn quy trình thủ tục, thời gian giao dịch, áp dụng lãi suất, phí… phù hợp để thu hút khách hàng nhằm mở rộng và tăng trưởng; mặt khác sẽ hạn chế việc lợi dụng chính sách để cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, đến sự tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững hoạt động ngân hàng”, ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên nói.
LÊ HẢO