Thứ Năm, 19/09/2024 12:44 CH
Gắn trách nhiệm trong bảo vệ môi trường
Thứ Năm, 10/08/2023 08:34 SA

ThS Huỳnh Huy Việt (bìa trái) hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nước rửa chén sinh học tại cơ sở sản xuất của Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Với việc tìm ra nhiều giải pháp khoa học, đẩy mạnh ứng dụng các mô hình bảo vệ môi trường, ThS Huỳnh Huy Việt, Trưởng phòng Tổng hợp - Đánh giá tác động môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) vinh dự được nhận Giải thưởng Môi trường tỉnh Phú Yên lần III - năm 2022.

 

Từ ý tưởng đến hành động

 

Thời gian qua, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh mới chỉ quan tâm đến vấn đề nâng cao tỉ lệ rác thải được thu gom và xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa chú trọng việc phân loại rác tại nguồn và tận dụng triệt để nguồn rác thải hữu cơ (chiếm gần 60% lượng rác thải phát sinh hàng ngày).

 

Xuất phát từ thực tế trên, ThS Huỳnh Huy Việt chia sẻ về ý tưởng xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn và cho rằng khâu quan trọng nhất trong việc phân loại rác là gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân với rác thải của mình và hưởng lợi từ việc phân loại này. Nghĩa là, quản lý rác thải phải gắn với lợi ích của cộng đồng, xem rác thải là nguồn tài nguyên. “Từ năm 2019, tôi đã tham mưu lãnh đạo đơn vị xây dựng các mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải sinh hoạt tại nguồn dựa vào cộng đồng, trong đó tập trung tuyên truyền, nhân rộng hiệu quả mô hình. Đến nay, nhiều mô hình thí điểm thành công, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội”, ThS Huỳnh Huy Việt cho biết.

 

Theo ThS Huỳnh Huy Việt, mô hình trường học phân loại, giảm thiểu rác thải sinh hoạt được triển khai thí điểm tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 13 trường học tham gia mô hình Trường học không rác. Mô hình khu dân cư phân loại, tái chế rác hữu cơ thành phân compost được các hội, đoàn thể hưởng ứng, triển khai. Đến nay, hàng nghìn hộ là hội viên, đoàn viên đã tham gia, trong đó có hơn 300 hộ được hỗ trợ thùng ủ phân compost. Mô hình câu lạc bộ tự quản về môi trường và tái chế rác hữu cơ thành nước tẩy rửa, nước rửa chén sinh học được các hội, đoàn thể, HTX, nhà hàng, khách sạn và hộ gia đình tham gia. Nhiều sản phẩm từ mô hình này được chứng nhận là sản phẩm OCOP, nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất được tỉnh trao tặng giải thưởng môi trường.

 

Sáng kiến hiệu quả

 

Không chỉ là người tạo ý tưởng, xây dựng và triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn, ThS Huỳnh Huy Việt còn tham gia nghiên cứu, tìm ra giải pháp khoa học để ứng dụng vào các mô hình bảo vệ môi trường. Dung dịch bảo quản tăng tính tẩy rửa được nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao cho các cơ sở sản xuất nước tẩy rửa, nước rửa chén sinh học trên địa bàn tỉnh. Qua hướng dẫn của một số tổ chức môi trường, người dân sản xuất được nước rửa chén sinh học từ rác thải thực vật. Tuy nhiên, sản phẩm còn mùi hôi, nhiều cặn bã, hiệu quả tẩy rửa thấp, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dừng lại trong phạm vi gia đình theo hướng tự cung tự cấp. “Để khắc phục những nhược điểm này, tôi và TS Võ Anh Khuê (Trường cao đẳng Công Thương miền Trung) đã nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm này bằng cách bổ sung chất hoạt động bề mặt, tạo ra môi trường sinh hóa ổn định, giúp ngăn ngừa sự lên men, kéo dài thời hạn sử dụng. Sản phẩm vừa có bọt vừa có mùi thơm tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng”, ThS Huỳnh Huy Việt chia sẻ.

 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), cho biết: Cuối năm 2020, Hội LHPN xã Bình Ngọc thành lập câu lạc bộ tái chế chất thải hữu cơ thực vật thành nước tẩy rửa sinh học. Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất nước tẩy rửa sinh học này là vỏ các loại trái cây cam, chanh, bưởi… được các thành viên thu gom từ các điểm bán trái cây, các chợ trên địa bàn thành phố. Sau khi ThS Huỳnh Huy Việt và TS Võ Anh Khuê chuyển giao kỹ thuật và sử dụng công nghệ đưa dung dịch bảo quản vào nước tẩy rửa, sản phẩm nước rửa chén sinh học của đơn vị sản xuất đạt chất lượng hơn và được tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, sản phẩm của đơn vị có giá 35.000 đồng/lít, bình quân mỗi tháng bán được 700-800 lít.

 

Theo ông Trương Đình Khai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, ngoài hoàn thành tốt công việc chuyên môn tại cơ quan, ThS Huỳnh Huy Việt còn tích cực tham gia nghiên cứu, tìm ra mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, sát với thực tế để tham mưu lãnh đạo đưa vào thực hiện. Việc triển khai thành công các mô hình bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức của người dân, giúp định hình các mô hình phân loại rác tại nguồn, phương pháp phân loại và xử lý rác hữu cơ trong cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế. Nghiên cứu quy trình nâng cao chất lượng nước tẩy rửa sinh học từ rác thực vật của ThS Huỳnh Huy Việt và TS Võ Anh Khuê đã đạt giải ba tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 9 (năm 2021). 

 

ThS Huỳnh Huy Việt vinh dự là một trong hai cá nhân nhận Giải thưởng Môi trường tỉnh Phú Yên lần III - năm 2022. Giải thưởng này được tỉnh xét tặng và công bố 2 năm/lần cho những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường ở Phú Yên. Tỉnh khuyến khích các cấp, ngành, địa phương và người dân chung tay, góp sức trong công cuộc bảo vệ môi trường để Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

 

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek