Phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu trong các loại hình doanh nghiệp chưa đồng nghĩa với mức thu nhập và đời sống của người lao động được cải thiện.
Công nhân của một doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu tại KCN An Phú - Ảnh: KIM LONG |
Chính phủ vừa ban hành hai nghị định về điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, Nghị định số 110/2008/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động và Nghị định số 111/2008/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam.
So với việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp năm trước (áp dụng cho năm 2008), điểm mới trong việc điều chỉnh lần này là mức lương tối thiểu được quy định theo 4 vùng (thay vì 3 vùng như trước đây). Việc phân chia này căn cứ theo giá cả sinh hoạt, mặt bằng tiền công, khả năng chi trả của doanh nghiệp từng vùng, thị trường lao động…
LƯƠNG TỐI THIỂU TĂNG KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI THU NHẬP TĂNG
Đây chỉ là mức lương tối thiểu vùng dùng để trả công và thỏa thuận trả công đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các doanh nghiệp. Mức lương này cũng dùng để tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do Luật Lao động quy định.
Thực tế hiện nay, do tính chất cạnh tranh lao động gay gắt, giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao, nên hầu hết các doanh nghiệp đều đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu mà Chính phủ quy định. Những doanh nghiệp nào đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu không nhất thiết phải tăng lương (thực chất là thu nhập) cho người lao động. Mức lương tối thiểu tăng, thì chỉ những doanh nghiệp nào mà người lao động hưởng lương theo hệ số, thì sẽ được tăng lương tương ứng.
Trả lời phỏng vấn báo chí về việc tăng mức lương tối thiểu có làm tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp hay không; ông Phùng Quốc Huy, Phòng Công nghiệp - Thương mại Việt
CẦN TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Một thực tế xảy ra là khi tăng lương tối thiểu, có trường hợp ở một số doanh nghiệp, các khoản tiền an sinh, phúc lợi xã hội của người lao động bị giảm xuống. Thành ra lương tối thiểu có tăng nhưng thực tế thu nhập không tăng. Trong khi đó, nghe đến tăng lương thì giá cả cũng tăng, nên người lao động vẫn là người chịu thiệt thòi. Trên thực tế, việc tăng lương tối thiểu không đồng nghĩa với thu nhập của người lao động tăng.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khẳng định, các phụ cấp của người lao động như phụ cấp độc hại, làm thêm giờ, phụ cấp trách nhiệm là những khoản bắt buộc phải thực hiện. Còn những khoản phụ cấp khác (như ăn trưa, đi lại…) là những khoản mang tính thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Trong trường hợp những phụ cấp này được đưa vào thỏa ước lao động thì lúc đó chúng trở thành quyền của người lao động. Trường hợp doanh nghiệp vì lý do nào đó muốn thay đổi thì phải được sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công đoàn.
Mức lương cụ thể của 4 vùng Vùng 1, ngoài TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, lần này được bổ sung thêm địa bàn TP Hà Đông. Đây là vùng có mức tăng cao nhất. Cụ thể, doanh nghiệp trong nước là 800.000 đồng/tháng và doanh nghiệp FDI là 1.200.000 đồng/tháng. Vùng 2, bổ sung thêm TP Đà Nẵng, một số huyện mới thuộc Hà Nội và một số quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc trung ương có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển. Mức tăng lương tối thiểu ở vùng II là 740.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp trong nước và 1.080.000 đồng đối với doanh nghiệp FDI. Vùng 3, là các thành phố trực thuộc tỉnh và một số địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội và thị trường lao động phát triển. Mức tăng đối với vùng III lần lượt là 690.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp trong nước và đối với doanh nghiệp FDI là 950.000 đồng/tháng. Vùng 4, gồm các địa bàn còn lại ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Vùng này có mức tăng 650.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp trong nước và 920.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp FDI. Với lần điều chỉnh này, tiền lương tối thiểu của người lao động thuộc doanh nghiệp trong nước được tăng thêm từ 110.000-180.000 đồng/tháng, doanh nghiệp FDI tăng từ 120.000-200.000 đồng/tháng.
BÍCH ĐÀO - (VOV)