Thời gian qua, các chương trình phát triển kinh tế, xã hội đã được thực hiện ở miền núi, các xã đặc biệt khó khăn, với nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các thiết bị kỹ thuật phù hợp cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất.
Làm lúa nước ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) |
Ông Trần Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cho biết: Vấn đề giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, ổn định đời sống luôn được chú trọng và thực hiện xuyên suốt. Tùy vào từng thời điểm mà có sự hỗ trợ khác nhau, theo nhu cầu của đồng bào. Trước đây, chúng ta hỗ trợ lúa gạo, lương thực, sau này thì giúp đồng bào phát triển sản xuất. Hiện nay, ngoài việc thực hiện các mô hình canh tác, chăn nuôi phù hợp để đồng bào dân tộc thiểu số có thể ứng dụng, Ban Dân tộc còn triển khai nhiều chương trình khác, trong đó có việc hỗ trợ công cụ sản xuất như máy cày, máy tuốt, máy bơm nước…
Từ nguồn vốn đầu tư phát triển, Ban Dân tộc đã đầu tư 250 triệu đồng mua sắm các thiết bị máy móc sản xuất nông nghiệp cho đồng bào các xã 135 giai đoạn 2. Ngoài hỗ trợ tiền giống cây trồng, 328 hộ được thụ hưởng còn được hỗ trợ sắm 1 máy cày trung, 26 máy cày tay, 10 máy tuốt lúa, 2 máy xay xát, 5 máy bơm nước. Ông Ksor Y Tin, Phó văn phòng UBND huyện Sông Hinh phụ trách vấn đề dân tộc, nói: Huyện Sông Hinh được hỗ trợ 650 triệu đồng từ nguồn vốn thực hiện Chương trình 135. Trong đó, vốn sự nghiệp 400 triệu đồng hỗ trợ cho 961 hộ dân tại các xã Ea Lâm, Ea Bá, Ea Bia, Ea Ly, Sông Hinh với tổng cộng 20 tấn phân bón, 3,5 tấn giống bắp lai để sản xuất. Trong vài năm gần đây, nhờ chủ trương mở rộng diện tích sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích lúa nước, bắp lai tăng cao. Cùng với việc hỗ trợ hàng năm từ các chương trình, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Cũng theo ông Ksor Y Tin, huyện Sông Hinh đang triển khai chương trình hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất. Người dân thành lập tổ, mỗi tổ có từ 2-10 hộ. Từ đề xuất của các tổ này, chương trình 135 sẽ hỗ trợ máy cày nhỏ, máy tuốt lúa, tuốt bắp, bơm nước… để việc trồng trọt, thu hoạch của người dân bớt nhọc nhằn. Với diện tích cây trồng ngắn ngày hiện nay, lại được hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất phù hợp, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi sẽ đảm bảo được cuộc sống.
Ngoài ra, chương trình khuyến nông - khuyến lâm với 3 mô hình hỗ trợ đồng bào sản xuất đã được Chi cục Hợp tác xã Phú Yên thực hiện ở 5 xã nghèo gồm Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), An Nghiệp, An Thạch (Tuy An) và Hòa Thịnh (Tây Hòa), với 466 hộ dân hưởng lợi. Đó là mô hình chăn nuôi bò thâm canh với 114 hộ dân được hỗ trợ giống, mô hình chăn nuôi heo, thâm canh lúa trên diện tích 9ha. Bên cạnh đó, theo Chi cục phó Chi cục Hợp tác xã Phú Yên Đặng Thái Lành, Chi cục Hợp tác xã đã hỗ trợ cho 2.351 hộ dân tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu 5 tấn lúa giống, 4,5 tấn giống bắp lai, 3.000 cây tre lấy măng và hơn 30 tấn phân bón.
KHOA THY