Do nhiều nguyên nhân, một số doanh nghiệp tại Phú Yên đang rơi vào cảnh khó khăn, hoạt động cầm chừng, phải “thắt lưng buộc bụng” trong sản xuất kinh doanh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động...
Chủ doanh nghiệp và nhân viên làm việc tại Doanh nghiệp vận tải và thương mại Cúc Tư – Ảnh: H.PHIÊN |
Anh Nguyễn Thanh An ở thôn Phước Khánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) đang làm việc tại một doanh nghiệp thương mại tư nhân ở TP Tuy Hòa, tâm sự: “Hơn một tháng nay, doanh nghiệp cắt giảm thưởng nên tôi phải đi làm bằng xe đạp để tiết kiệm tiền xăng. Rất buồn là trên 20 đồng nghiệp của tôi đã phải nghỉ việc vì doanh nghiệp tập trung trả các khoản nợ bị đòi gấp nên không đủ tiền trả lương. Mấy anh em còn lại vừa thống nhất chậm nhận lương tháng tới để chia sẻ khó khăn với chủ doanh nghiệp…”.
Trước tình hình khó khăn chung về vốn lưu động, Doanh nghiệp Vận tải thương mại Cúc Tư (TP Tuy Hòa), dù vẫn giữ nguyên gần 100 nhân viên nhưng buộc phải giảm tiền thưởng định kỳ. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ doanh nghiệp Cúc Tư, cho biết: “Trước đây, chúng tôi có thể thưởng cho nhân viên hàng tuần hoặc theo từng chuyến xe, nhưng hiện nay thì chỉ xét thưởng theo từng quý. Người được khen thưởng cũng phải có những đóng góp thật xuất sắc, thông qua bình bầu kỹ lưỡng hơn trước. Điều này đã làm giảm thu nhập của anh chị em nhưng thú thật, chúng tôi không thể làm khác khi tình hình kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, giảm gì thì giảm, lương cơ bản buộc phải giữ nguyên để người lao động đảm bảo chi dùng cho cuộc sống. Rất may là hầu hết nhân viên đã thông cảm cho khó khăn hiện thời của doanh nghiệp”.
Nguyên vật liệu tăng giá, sức mua giảm khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất ở Phú Yên phải đưa ra hàng loạt biện pháp để đối phó. Ông Phạm Hồng Bình, Chủ doanh nghiệp mỹ nghệ Bình SVC (TP Tuy Hòa), nói: “Tôi phải nghiên cứu, cắt giảm triệt để những chi phí không cần thiết, đồng thời sắp xếp khoa học các công đoạn sản xuất sao cho đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm tối đa việc sử dụng nguyên liệu vật liệu, năng lượng…Vừa rồi, tôi đành phải cho thôi việc 10 công nhân trong số gần 100 người ở xưởng sản xuất. Đây là những lao động phụ trách một số khâu ít quan trọng. Tôi cam kết với họ là sẽ gọi làm việc trở lại ngay khi tình hình kinh doanh đã trở lại bình thường. Nhưng thú thật, chưa biết đến lúc nào thì mới qua được cơn “bĩ cực” này?”.
Bên cạnh những khó khăn do giá cả leo thang, thiếu vốn đầu tư sản xuất…, nhiều chủ doanh nghiệp cũng đang đau đầu khi tin đồn phá sản lan rộng nhiều nơi ở Phú Yên. Trên thực tế, có một vài doanh nghiệp phá sản. Tuy nhiên, tình trạng tung tin thất thiệt đã và đang gây nhiều lo lắng cho giới kinh doanh ở Phú Yên, đồng thời khiến người lao động hoang mang, không yên tâm làm việc. Đã có một số lao động rủ nhau bỏ việc, vào các tỉnh, thành phố phía
Có thể nói, hàng loạt khó khăn của các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Phú Yên đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người làm công ăn lương. Các cấp, ngành chức năng cần quan tâm tạo điều kiện để đời sống người lao động được ổn định và cải thiện…
HÙNG PHIÊN