Các hợp tác xã - vận tải (HTXVT) Phú Yên đang phải đối mặt với tình trạng hàng loạt xã viên xin rời HTX, trong khi Nhà nước thất thu một khoản lớn tiền thuế vì một kẽ hở trong quy định về tem kiểm định.
Nhiều xe của HTX vận tải cơ giới đường bộ TP Tuy Hòa đang hoạt động tại bến xe nội tỉnh - Ảnh: HOÀI TRUNG |
RỦ NHAU RỜI HTX ĐỂ DÁN “TEM VÀNG”
Ngày 4/12/2001, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) có Quyết định số 4105/2001/QĐ-BGTVT ban hành “Quy định về việc kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”, trong đó có quy định: Tem kiểm định nền màu xanh cấp cho xe cơ giới có kinh doanh vận tải, tem kiểm định màu vàng cấp cho xe cơ giới không kinh doanh vận tải. Ngày 11/12/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2001/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô với quy định là các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải phải xuất trình “giấy đăng ký kinh doanh” cho đơn vị đăng kiểm để được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định màu xanh (đóng thuế). Riêng những ai không kinh doanh vận tải có nhu cầu tham gia giao thông, qua kiểm định bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì các đơn vị được cấp tem vàng (không đóng thuế).
Sau khi các văn bản trên được ban hành, trên địa bàn Phú Yên đã xuất hiện tình trạng nhiều chủ phương tiện, chủ yếu là xe vận tải hàng hóa của cá nhân, lợi dụng kẽ hở của quy định trên để trốn đăng ký kinh doanh, hoặc chuyển đổi hình thức của tem từ xanh sang vàng để khỏi phải đóng thuế kinh doanh.
Nhận thấy quy định cấp trên còn kẽ hở, Sở GTVT Phú Yên đã có Công văn số 147 gửi UBND tỉnh vào ngày 28/6/2007 xác nhận tình trạng trên và đề ra một số biện pháp khắc phục. Đến ngày 8/8/2007, Sở GTVT Phú Yên tiếp tục gửi Kiến nghị số 465 cho Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ GTVT bổ sung điều kiện để được cấp tem kiểm định cho ô tô không kinh doanh vận tải, đó là bắt buộc chủ phương tiện phải có xác nhận không tham gia kinh doanh vận tải do UBND xã, phường nơi chủ phương tiện cư trú ký, đóng dấu. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ hạn chế được một phần nhỏ của tình trạng trên.
Từ năm 2003, một số xã viên tại các HTXVT trong tỉnh nhận thấy nhiều xe cơ giới dán tem vàng qua một năm kinh doanh vận tải mà không nộp thuế cho Nhà nước, lại không bị các cơ quan quản lý có biện pháp ngăn chặn nên họ đã lần lượt làm đơn xin ra khỏi HTX để tự do đăng ký tem vàng (không kinh doanh, không nộp thuế). Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ nhiệm HTXVT cơ giới đường bộ TP Tuy Hòa, cho biết: “Cứ ra đường là thấy ngay một loạt xe dán tem vàng ngang nhiên chở khách, chở hàng chật cứng. Tôi biết hiện có rất nhiều chủ hãng chỉ riêng số tiền “trốn thuế” nói trên đã có thể cất được biệt thự để ở. Điều này khiến chúng tôi rất bức xúc”.
CÁC HTXVT LAO ĐAO, NHÀ NƯỚC THẤT THU
Tình trạng xã viên xin ra khỏi HTXVT để xin dán “tem vàng” ngày một tăng, khiến 13 HTX đang kinh doanh vận tải trên địa bàn Phú Yên rơi vào tình trạng xuống dốc do không còn khả năng quản lý phương tiện vận tải như trước đây.
HTXVT Thống Nhất (huyện Phú Hòa) hầu như đang tụt dốc không phanh. Năm 2006, có 41 xe xin ra khỏi HTX này, năm 2007 thêm 11 xe, trong hơn 9 tháng qua của năm 2008 thêm 32 xe có tải trọng lớn tiếp tục rời HTX. Còn HTX VT cơ giới đường bộ TP Tuy Hòa trước đây có 115 đầu xe, nhưng đến nay chỉ còn lại 80 xe trong biên chế. Riêng tuyến Tuy Hòa – TP Hồ Chí Minh của HTX này, vào dịp Tết Nguyên đán có gần 20 đầu xe được đưa vào khai thác. Song chỉ qua vài tháng, hiện HTX này chỉ còn duy nhất 1 xe hoạt động trên tuyến này, nhưng cũng chỉ chạy cầm chừng và có khả năng phải ngưng hoạt động trong thời gian tới. Các HTX khác như HTXVT Phú Thành chỉ còn 32 xe, HTXVT Hiệp Hưng còn 41 xe…
Ông Đinh Phước Hưng, Chủ nhiệm HTXVT Thống Nhất, cho biết: “Kẽ hở của quy định trên ám ảnh chúng tôi suốt mấy năm nay bởi nó không chỉ gây thiệt hại cho đơn vị, mà còn ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều HTXVT khác. Điều này không chỉ gây xáo trộn trật tự vận tải, mất bình đẳng trong kinh doanh mà còn gây thất thoát nguồn thu cho Nhà nước”.
Ông Hưng cung cấp cho chúng tôi một bằng chứng về sự thất thu của Nhà nước qua “kẽ hở” của quy định này. Một chủ hãng xe ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) có 20 xe, gồm 7 chiếc Maz và 13 chiếc Kamaz loại tải trọng 8-11 tấn đang hợp đồng vận chuyển mía cây cho Nhà máy đường KCP và tất cả số xe này đều dán “tem vàng”. Theo quy định khoán thuế cho xe cá thể là 76.880 đồng/tấn/phương tiện/tháng, đội xe của người này có tổng tải trọng lên đến 199 tấn/phương tiện, bình quân mỗi năm Nhà nước thất thu hơn 183 triệu đồng chỉ riêng trường hợp này!
ÔNG NGUYỄN THÀNH TRÍ, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GTVT PHÚ YÊN: “Qua phản ánh của các HTXVT, một mặt chúng tôi siết chặt công tác quản lý, kiểm tra đăng kiểm để hạn chế những trường hợp lợi dụng kẽ hở của quy định nhằm trục lợi cho cá nhân. Mặt khác, chúng tôi đã kiến nghị lên Bộ GTVT và cấp trên cũng đã hứa sẽ xem xét, tham gia sửa đổi các nghị định, quy định để ban hành thực hiện trong thời gian ngắn nhất hầu khắc phục tình trạng trên…” ÔNG PHAN VINH, TRƯỞNG BAN PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỢP TÁC (LIÊN MINH HTX PHÚ YÊN): “Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Nhà nước, Bộ GTVT phải có quy định rõ ràng, chặt chẽ giữa các đối tượng kinh doanh và không kinh doanh, và nếu cần thiết thì thống nhất chung một loại tem đăng ký kinh doanh (tem xanh). Riêng Cục Thuế Phú Yên cũng phải có trách nhiệm trong việc quản lý để đánh thuế đúng xe dùng vào mục đích kinh doanh hiện hành, truy thu lại toàn bộ thuế thất thoát từ trước đến nay. Chỉ có làm như vậy mới đem lại sự công bằng trong kinh doanh và mở ra lối thoát cho các HTXVT”.
XUÂN HUY