Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành Ngân hàng, gồm: Thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, giám định tiền giả, tiền nghi giả, đóng dấu tiền giả, đóng gói, giao nhận, vận chuyển và tiêu huỷ tiền giả.
Theo đó, trong trường hợp khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả đã có thông báo của Ngân hàng Nhà nước (hoặc của Bộ Công an), ngân hàng phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả. Nếu có nghi vấn về việc lưu hành tiền giả hoặc phát hiện từ 5 tờ tiền giấy giả (hoặc 5 miếng đối với tiền kim loại giả) trở lên trong một giao dịch hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả thì ngân hàng phải thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất. Đối với tiền nghi giả, tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng lập biên bản và tạm thu giữ tiền, đồng thời trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày tạm thu giữ, phải gửi tiền nghi giả và đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan Công an trên địa bàn giám định. Kết quả giám định phải được thông báo bằng văn bản cho khách hàng có tiền nghi giả biết.
Mọi tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả phải có đề nghị bằng văn bản và chuyển tiền giả, tiền nghi giả cần giám định tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Phát hành- Kho quỹ hoặc Chi cục Phát hành- Kho quỹ. Việc giám định được thực hiện miễn phí. Quy định cũng nêu rõ, nhân viên ngân hàng thu giữ tiền giả phải là người được đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả. Nghiêm cấm hành vi trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng.
(chinhphu.vn)