Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh do ngành Thuế quản lý là 5.110 tỉ đồng, đạt 103,4% dự toán trung ương giao, đạt 77,6% dự toán tỉnh giao. Trong số này, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân đóng góp 2.616 tỉ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 51,2% tổng thu nội địa (năm 2021, tỉ trọng đóng góp là 32,67%).
Kết quả nói trên thể hiện quyết tâm vượt khó, khát khao vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực
Công ty TNHH Phúc Đặng Gia ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) chuyên thu mua và chế biến mủ cao su. Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2022, khi kinh tế đang trên đà phục hồi, nguồn vốn cho vay bị siết chặt nên doanh nghiệp đã khó lại thêm khó. “Trong bối cảnh này, công ty đã nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu suất lao động để giảm giá thành nhằm cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường”, ông Hoàng Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đặng Gia cho biết.
Là doanh nghiệp chuyên chế biến thủy sản xuất khẩu nên qua hai năm đại dịch, cộng với tình hình thế giới biến động, hàng hóa của Công ty TNHH Thủy sản Giang Nam (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) bán chậm. Doanh nghiệp đã cố gắng tận dụng nguồn vốn sẵn có, đồng thời làm việc với các đối tác và bạn hàng để đối tác trả tiền hàng sớm hơn, bạn hàng thì chấp nhận cho trả chậm hơn một chút nhằm có thể xoay xở dòng tiền tiếp tục sản xuất. “Từ thời điểm dịch đến nay, đơn hàng của công ty chỉ giảm khoảng 10-15% nhưng vì giá thành hạ nên lợi nhuận không được như kỳ vọng. Một mặt, doanh nghiệp cố gắng tiết giảm chi phí sản xuất; mặt khác, doanh nghiệp được hưởng các chính sách giảm tiền thuê đất, giãn thuế, giảm lãi suất nên cũng bớt khó khăn”, ông Biện Giang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Giang Nam chia sẻ.
Thời điểm hậu COVID-19, khi tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, VNPT Phú Yên đã tập trung cơ cấu lại nguồn lực để triển khai mô hình kinh doanh mới theo chủ trương của Tập đoàn VNPT. Ông Bùi Viết Ấn, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Phú Yên cho biết: Đơn vị nỗ lực giữ vững và phát triển thị phần dịch vụ viễn thông truyền thống như di động, internet, truyền hình trả tiền MyTV; đồng thời tập trung phát triển các dịch vụ số, là thế mạnh của VNPT, để cung cấp cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, VNPT Phú Yên cũng tiết giảm tối đa chi phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có để gia tăng lợi nhuận, từ đó gia tăng số nộp ngân sách cho Nhà nước.
Tại Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ và Thương mại Hoàng Long (TX Sông Cầu), khi dịch COVID-19 bùng phát, công trình, dự án ít, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Đến năm 2022, hoạt động của doanh nghiệp chuyên thi công các công trình giao thông, dân dụng, thủy lợi này thuận lợi hơn, doanh thu cả năm được 50 tỉ đồng; sau khi trừ tất cả chi phí, doanh nghiệp tích lũy được một ít. “Hiện Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ và Thương mại Hoàng Long giải quyết việc làm cho gần 40 lao động chính thức và khoảng 50-60 lao động thời vụ, chủ yếu là người địa phương. Do đó, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là kinh tế ổn định, các công trình, dự án được triển khai để người lao động có việc làm, công ty có doanh thu và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương”, ông Trần Văn Ký, Giám đốc doanh nghiệp này nói.
Đồ họa: VIỆT AN |
Đóng góp 51,2% tổng thu nội địa
Năm 2022, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát. Nền kinh tế trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã có bước phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do giá cả xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tình hình triển khai một số dự án còn chậm so với dự kiến; một số ngành đóng góp số thu ngân sách lớn của tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; hoạt động của một số doanh nghiệp còn ngưng trệ; sức mua vẫn khiêm tốn… “Để giúp doanh nghiệp đứng vững trong giai đoạn khó khăn, tạo động lực tiếp tục phục hồi kinh tế sau đại dịch, Đảng và Nhà nước đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình hỗ trợ. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã góp phần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng”, ông Phạm Hoài Trung, Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên cho biết.
Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh do ngành Thuế quản lý là 5.110 tỉ đồng, đạt 103,4% dự toán trung ương giao, đạt 77,6% dự toán tỉnh giao. Trong số này, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân đóng góp 2.616 tỉ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm tỉ trọng 51,2% tổng thu nội địa năm 2022 (năm 2021, tỉ trọng đóng góp là 32,67%).
Cụ thể, ở khối doanh nghiệp nhà nước, toàn tỉnh hiện có 61 doanh nghiệp và chi nhánh tham gia sản xuất kinh doanh, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, xăng dầu và sản xuất thủy điện. Năm 2022, khối doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp gần 895 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 17,5% tổng thu nội địa, chiếm 34,2% tổng thu từ khối doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Các đơn vị đóng góp số thu lớn của thành phần kinh tế này là Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ (230 tỉ đồng), Chi nhánh Xăng dầu Phú Yên (200,8 tỉ đồng), Nhà máy thuốc lá Phú Yên (43,3 tỉ đồng), Điện lực Phú Yên (29 tỉ đồng), Viettel Phú Yên (17,7 tỉ đồng), Viễn thông Phú Yên (9,7 tỉ đồng)…
Ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với 39 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2022, khối doanh nghiệp này đã nộp ngân sách 132 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 2,6% tổng thu nội địa, chiếm 5% tổng thu từ khối doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Điển hình các doanh nghiệp có số nộp cao vào ngân sách là Công ty TNHH KCP Việt Nam (71,8 tỉ đồng), Công ty TNHH Thai Nakorn Patana Việt Nam (hơn 11 tỉ đồng), Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp (8,3 tỉ đồng), Chi nhánh Công ty TNHH Khách sạn Zannier Việt Nam tại Phú Yên (2,9 tỉ đồng)...
Lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh có số lượng tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh đông đảo nhất, với 4.074 doanh nghiệp và hơn 18.500 cá nhân, hộ kinh doanh (trong đó có hơn 12.000 hộ thuộc diện nộp thuế) đang hoạt động. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chủ động vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế. Mặt khác, với số lượng doanh nghiệp, doanh nhân tham gia vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, khối doanh nghiệp này đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Năm 2022, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ kinh doanh đóng góp 1.589 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 31,1% tổng thu nội địa, chiếm 60,8% tổng thu từ khối doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Điển hình các doanh nghiệp có số nộp cao là Chi nhánh Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung tại Phú Yên (136,6 tỉ đồng), Công ty TNHH MTV Masan Brewery Phú Yên (109 tỉ đồng), Công ty CP Mía đường Tuy Hòa (13 tỉ đồng), Chi nhánh Công ty CP Long Sơn tại Phú Yên (4,2 tỉ đồng)…
Đối với các hộ kinh doanh, tuy số thu chiếm tỉ trọng không lớn trong tổng thu, nhưng qua đó thể hiện ý thức chấp hành pháp luật về thuế, tinh thần trách nhiệm thực thi nghĩa vụ công dân của từng cá nhân, từng hộ kinh doanh. Liên tục trong 2 năm (2021-2022), nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ thuế, được ghi nhận, khen thưởng. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Tuyết Phượng (huyện Tuy An), hộ ông Nguyễn Văn Khải (huyện Tây Hòa), hộ bà Nguyễn Thị Lê (huyện Tây Hòa)...
“Với kết quả đạt được nêu trên, ngành Thuế ghi nhận những nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang hoạt động trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, ông Phạm Hoài Trung nói.
Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách
Tổng thu ngân sách của tỉnh 5 tháng đầu năm là 1.502 tỉ đồng, đạt 29,3% dự toán trung ương giao, đạt 18,8% so với dự toán tỉnh giao, bằng 67% cùng kỳ năm 2022. Từ nay đến cuối năm, ngành Thuế Phú Yên quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách HĐND tỉnh giao.
Theo Cục trưởng Cục Thuế Phú Yên Phạm Hoài Trung, để hoàn thành nhiệm vụ này, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Ngành Thuế cam kết hỗ trợ tối đa, đặc biệt là các chính sách về miễn, giảm, giãn thuế và tiếp tục thực hiện mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”; đồng thời đẩy nhanh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân.
“Với những tiềm năng, lợi thế của địa phương cùng truyền thống tự lực, tự cường và lao động sáng tạo của mình, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp, doanh nhân, hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vượt lên mọi thử thách để duy trì và phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà”, ông Phạm Hoài Trung khẳng định.
LÊ HẢO