Thứ Tư, 02/10/2024 00:30 SA
Dịch vụ tài chính cho khu vực nông thôn:
Vẫn còn khó khăn, hạn chế
Thứ Sáu, 10/10/2008 07:00 SA

Những năm gần đây, hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính đầu tư nền kinh tế ở Phú Yên phát triển mạnh. Tuy nhiên, hoạt động tài chính phần lớn tập trung tại khu vực thành thị, còn ở khu vực nông thôn, người nghèo ít có cơ hội tiếp cận các kênh dịch vụ ngân hàng.

 

trong-trot-081010.jpg

Chỉ có tập trung vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp - nông thôn và người nghèo thì mới phát triển những mô hình sản xuất tập trung theo kiểu hàng hóa - Ảnh: Q.THUẦN

 

Phú Yên hiện có 10 đầu mối hoạt động tín dụng gồm: 3 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước là Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank), Công thương (Vietinbank), Đầu tư – Phát triển (BIDV); Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP); 3 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) là Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Đông Á (DongA Bank) và Ngoại thương (Vietcombank); 4 quỹ tín dụng nhân dân gồm: Hòa Trị, Hòa Thắng (Phú Hòa), Châu Thành (TP Tuy Hòa) và Chí Thạnh (Tuy An). Hiện tổng dư nợ cho vay đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh của các tổ chức tín dụng này đạt trên 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có hệ thống Agribank, VBSP và các quỹ tín dụng nhân dân là ưu tiên hỗ trợ vốn cho các chương trình giảm nghèo tại khu vực nông thôn, miền núi, còn các NHTM khác tập trung chủ yếu tại khu vực TP Tuy Hòa và chỉ ưu tiên đầu tư vào khối doanh nghiệp, tiểu thương buôn bán tại các chợ trên địa bàn TP Tuy Hòa.

 

Theo số liệu thống kê của chi nhánh VBSP tại Phú Yên, dư nợ cho vay các đối tượng chính sách và hộ nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi đạt trên 500 tỉ đồng với bảy chương trình tín dụng ưu đãi, có trên 80.000 lượt hộ vay. Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc VBSP Phú Yên cho biết, nguồn vốn đầu tư cho bảy chương trình tín dụng ưu đãi chủ yếu là của Trung ương, còn vốn huy động tại chỗ và ngân sách địa phương phân bổ hầu như không có nên muốn nâng hạn mức cho vay cũng không dễ.

 

Tại Agribank Phú Yên, dư nợ đầu tư vào khu vực nông nghiệp – nông thôn đạt khoảng 1.300 tỉ đồng. Các NHTM khác chưa có nhiều kênh dịch vụ tài chính tại nông thôn, chủ yếu tập trung ở thành thị. Trong khi đó, 3 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ở khu vực nông thôn là: Hòa Trị, Hòa Thắng và Chí Thạnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để mở rộng đối tượng vay, do vậy, tổng dư nợ của cả 3 đơn vị này chưa quá 10 tỉ đồng. Các quỹ tín dụng này thường áp dụng mức cho vay từ 3-10 triệu đồng/hộ. Ông Đỗ Minh Đô, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân xã Hòa Thắng cho biết: “Quỹ hoạt động ở khu vực nông thôn nên việc huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vay phát triển kinh tế gia đình của hội viên là một thách thức. Muốn tăng trưởng dư nợ, không còn cách nào khác chúng tôi phải đi vay từ Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương về cho hội viên vay lại. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu dành cho hội viên là những nông dân khó tiếp cận vốn ngân hàng”.  

 

Hiện tổng dư nợ mà các tổ chức tín dụng đầu tư vào khu vực nông nghiệp – nông thôn, hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn Phú Yên chỉ trên 1.800 tỉ đồng, chiếm 40% tổng dư nợ đầu tư cho nền kinh tế. Trong khi đó, trên 80% dân số của tỉnh lại sống tại vùng nông thôn, miền núi và thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

 

gdnh-081010.jpg

Hệ thống Agribank có số vốn đầu tư khu vực nông nghiệp – nông thôn lớn nhất ở Phú Yên – Ảnh: Q.THUẦN

 

Ông Tạ Văn Tuấn, Điều phối viên của Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) cho rằng: Trước diễn biến của thị trường tiền tệ hiện nay, các tổ chức tài chính quy mô nhỏ đang gặp khó khăn trong huy động tiết kiệm, chỉ huy động được từ chính đối tượng vay vốn, còn nhóm có tiền nhàn rỗi cao hơn thường gửi tiết kiệm ở các NHTM. Khung pháp lý về huy động tiết kiệm của các tổ chức tài chính quy mô nhỏ còn thiếu, chưa tạo được niềm tin vào hoạt động dài hạn. Vì vậy, khách hàng thường tin tưởng nhiều hơn vào NHTM và gửi tiền vào đó. Mặt khác, Nghị định 165/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định các tổ chức  phải có vốn pháp định là 5 tỉ đồng mới được huy động tiết kiệm. Nếu không đạt được vốn pháp định này thì không được huy động tiết kiệm vượt quá vốn tự có. Trên thực tế, đa số các tổ chức tài chính quy mô nhỏ còn non trẻ, số vốn pháp định từ 5 tỉ đồng trở lên không nhiều. Điều này đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ.

 

Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế và chính sách xã hội, để đẩy mạnh hoạt động tín dụng cho nông dân, người nghèo cần đổi mới cơ chế chính sách cho hoạt động các tổ chức tài chính quy mô nhỏ; cho phép các tổ chức này tiếp cận nguồn vốn từ các kênh tài chính nước ngoài; cân bằng giữa cho vay thương mại và ưu đãi giảm nghèo. Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo hơn là ưu đãi. Các tổ chức tài chính quy mô nhỏ như quỹ tín dụng cơ sở, hợp tác xã tín dụng nông thôn... nên sáp nhập lại để đạt được vốn pháp định đủ tham gia mở rộng huy động tiết kiệm và duy trì phát triển.

 

VÂN NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek