Hiện nay, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp (DN) hướng tới. Điều này đã góp phần đáp ứng với yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của DN ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Chủ động thay đổi
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, làn sóng tiêu dùng xanh đang lan rộng trên toàn cầu thì sản xuất xanh là xu thế tất yếu và là một mắt xích quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh.
Theo ông Hà Hùng Vĩ, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Thành (TX Đông Hòa), sản xuất xanh là quy trình sản xuất mà từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Để đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…, DN luôn cam kết sử dụng gỗ rừng trồng, sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ vùng địa lý tích cực và loài không rủi ro. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất cũng không sử dụng các hóa chất gây độc hại. Các nhà máy được lắp đặt hệ thống hút bụi công nghiệp và xử lý chất thải hiện đại.
Thay vì sử dụng than đá để đốt trong các lò hơi, Công ty CP An Hưng đã chuyển sang dùng than củi trấu - một nguyên liệu được đánh giá thân thiện môi trường và có giá thành rẻ hơn. Phần tro của chất đốt này được tái sử dụng để làm phân bón cây. Công ty cũng đã đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời để sử dụng trong sản xuất tại một số nhà máy. Bà Bùi Thị Kim Son, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự công ty này, cho biết: Là một DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới, Công ty CP An Hưng đã tiếp nhận những yêu cầu xanh hóa trong sản xuất như: Tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc đảm bảo cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại… Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. DN phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo…
Tấm vé cạnh tranh
Tại Việt Nam, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, xanh hóa sản xuất đã giúp nhiều DN Việt Nam có được những tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh, các tiêu chuẩn quốc tế để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… và hưởng thuế suất ưu đãi. Bởi trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài những cam kết về đầu tư, thương mại hàng hóa, dịch vụ thì môi trường hay phát triển bền vững là những nội dung không thể thiếu.
Theo bà Bùi Thị Kim Son, trước khi ký kết đơn hàng mới, khách hàng luôn có những cuộc khảo sát thực tế tại DN để kiểm định chặt chẽ về quy trình sản xuất, các yếu tố vệ sinh môi trường nhà xưởng… Chính vì thế, khi đảm bảo được các yêu cầu này, DN sẽ tăng thêm sức cạnh tranh, đảm bảo năng lực để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, với tiềm lực hạn chế về tài chính và công nghệ, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững là điều không dễ dàng với nhiều DN. Tuy nhiên, để không bị loại khỏi cuộc chơi, các DN cần thay đổi tư duy, quan tâm tới tính xanh của chuỗi sản xuất và cung ứng. Không chỉ các DN lớn với những khoản chi khủng cho phát triển xanh, thực tế đã có không ít DN vừa và nhỏ đang chọn con đường phát triển sản phẩm theo mô hình tuần hoàn, bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Đa Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Masan Brewery Phú Yên, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: Để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết DN phải đầu tư trang thiết bị quá hiện đại để giảm thiểu khí thải ra môi trường. Chỉ bằng những hành động đơn giản như chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện; quan trọng nhất là ưu tiên dùng những sản phẩm, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường là đã giúp thực hiện được mục tiêu đề ra. Chứng minh là thời gian qua, nhiều DN đã đẩy mạnh tạo lập giá trị thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chất lượng xanh sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh giúp các DN chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Việc phát triển thương hiệu gắn với sản xuất xanh sẽ là cơ hội vàng để DN tăng trưởng xanh. |
NHƯ THANH