Nông dân các địa phương trong tỉnh đang trong vụ thu hoạch mía cây nguyên liệu để bán cho các nhà máy sản xuất đường. Bên cạnh niềm vui được mùa, người trồng mía còn nhiều băn khoăn về việc đo chữ đường (CCS) để xác định giá thu mua mía của một số nhà máy.
Thông tư 29 của Bộ NN&PTNT về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu nêu rõ: Việc lấy mẫu nước mía xác định chữ đường phải thực hiện theo nguyên tắc công khai để chủ bán mía khi có yêu cầu có thể kiểm tra, giám sát và công nhận mẫu đã lấy đúng, thuộc lô hàng của mình.
Đo chữ đường xác định giá
Niên vụ mía năm 2022-2023, các nhà máy chế biến đường trên địa bàn tỉnh thu mua mía nguyên liệu với giá khá cao; trong đó, giá mía đạt 10 chữ đường sẽ được nhà máy mua 1,3 triệu đồng/tấn. Nông dân trồng mía rất phấn khởi vì đây là giá cao nhất từ trước đến nay. Nông dân sẽ lãi cao nếu năng suất mía ổn định. Tuy nhiên, năm nay, hầu hết mía của bà con bán cho các nhà máy đều có chữ đường thấp, chỉ từ 9-9,5 CCS. Kéo theo đó, giá mía khi nhà máy thu mua không đạt mức giá 1,3 triệu đồng/tấn.
Vụ mía này, gia đình ông Phạm Tấn Thích ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) trồng hơn 10ha mía và đang huy động nhân công thu hoạch để bán cho nhà máy đường KCP. Ông Thích cho biết: “Năng suất mía năm nay đạt 80 tấn/ha, cao hơn các hộ dân lân cận. Thời điểm đầu vụ, có xe mía chữ đường dưới 9 CCS nhưng Công ty KCP vẫn bảo hiểm mức 9 CCS cho nông dân nên giá bán gần 1,2 triệu đồng/tấn.
Theo ông Trịnh Quang Hòa, nông dân ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất mía của gia đình ông đạt cao. Mặc dù vậy, khi xuất bán cho các nhà máy đường thì giá thấp do chữ đường không đạt 10 CCS. “Trên cùng một ruộng mía nhưng chữ đường cũng khác nhau, có xe mía đạt 7,5 CCS, có xe đạt 8 CCS, nên giá mía chỉ còn khoảng 800.000-900.000 đồng/tấn. Việc xác định chữ đường là do nhà máy thực hiện và thông báo về cho người dân biết”, ông Hòa chia sẻ.
Nhiều nông dân tại các địa phương khác cũng cho rằng, niên vụ mía năm nay, chữ đường mía thấp và họ băn khoăn về điều này. Hiện nay, quy trình xác định chữ đường được thực hiện bằng máy móc và người dân cũng không có cách nào giám sát hay tự tính được chữ đường đối với mía của mình. Họ biết được kết quả khi có thông báo, điều này khiến họ chưa thực sự tin tưởng về tính minh bạch trong việc đo CCS của các nhà máy đường.
Đảm bảo công khai, minh bạch
Trước những băn khoăn về việc đo chữ đường để xác định giá thu mua mía của một số nhà máy, tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh đã và đang kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung này dựa trên quy định tại Thông tư 29 của Bộ NN&PTNT về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu tại các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra, giám sát, tổ công tác liên ngành đánh giá cao việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu của các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh. Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết: “Các quy trình lấy mẫu để xác định tỉ lệ tạp chất và đo chữ đường đều được công ty thực hiện theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT. Công ty cũng phối hợp với ban điều hành chương trình mía đường địa phương để thực hiện việc này một cách minh bạch, khách quan và người nông dân hoàn toàn được vào bên trong nhà máy để giám sát quá trình thực hiện. Trong trường hợp nghi ngờ việc xác định tạp chất và chữ đường, nông dân có quyền lấy mẫu để cùng cơ quan chức năng xác định lại. Ngoài ra, công ty cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ tạp chất trong mía nguyên liệu và bảo hiểm chữ đường cho nông dân”.
Theo ông Phan Tiến Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa (huyện Tây Hòa), công ty thu mua mía bằng hình thức đo chữ đường và thực hiện chính sách bảo hiểm về chữ đường để nông dân yên tâm. Nếu mía bán cho công ty đo được ở mức 8,5 CCS thì vẫn được tính 9 CCS, tương đương với giá thu mua 1,15 triệu đồng/tấn. “Vì vậy, mỗi xe mía của nông dân khi đưa vào ép đường đều được lấy mẫu để xác định chữ đường. Việc đo chữ đường tại nhà máy được thực hiện bằng phương pháp tự động. Chữ đường phân tích được sẽ tự động đến bộ phận nguyên liệu và căn cứ chữ đường đo được sẽ báo cho nông dân”, ông Dũng cho biết thêm.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Tổ trưởng tổ công tác liên ngành cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu tại các công ty mía đường, có sự tham gia của đại diện hộ nông dân, tạo được sự minh bạch, khách quan trong việc đo chữ đường và xác định tạp chất mía nguyên liệu. “Qua kiểm tra, tổ công tác liên ngành đánh giá cao việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu tại các công ty. Việc lấy mẫu mía nguyên liệu để xác định tỉ lệ tạp chất và chữ đường đều được thực hiện đúng quy định, đảm bảo tính khách quan”, bà Thủy khẳng định.
Các công ty mía đường phải có giải pháp tuyên truyền, vận động người dân chú trọng trong việc thu hoạch mía để tránh tỉ lệ tạp chất cao ảnh hưởng đến chất lượng mía. Đồng thời, doanh nghiệp cần công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho người dân giám sát quá trình lấy mẫu xác định tỉ lệ tạp chất và đo chữ đường; tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh hiệu quả hơn.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT |
NGỌC HÂN