Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 172 cơ sở chế biến gỗ; trong đó có 44 doanh nghiệp, 3 HTX, 125 hộ kinh doanh cá thể.
Tuy nhiên, đa số cơ sở là doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ chế biến chưa sâu, giá trị sản phẩm chưa cao; hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu sơ chế gỗ tròn, gỗ xẻ và sản xuất mộc nội thất, tiêu thụ nội địa. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là gỗ nhập khẩu và gỗ rừng trồng.
Trong năm 2023, ngành Lâm nghiệp tỉnh định hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng qua chế biến sâu, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời mở rộng quy mô rừng gỗ lớn chiếm khoảng 10% tổng diện tích rừng trồng trong năm; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên 310.000m3/năm; phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5% trở lên, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 435 tỉ đồng.
Đối với các cơ sở nuôi, trồng động, thực vật hoang dã, theo thống kê, toàn tỉnh có 311 cơ sở/7.006 cá thể động vật rừng; trong đó, loài thông thường 42 cơ sở/2.173 cá thể; loài nguy cấp, quý hiếm 269 cơ sở/4.833 cá thể. Hiện nay, cơ quan chức năng đã cấp 127 mã số cơ sở nuôi cầy vòi hương, nai; xuất 324 hồ sơ/2.028 cá thể và nhập 268 hồ sơ/2.816 cá thể cầy vòi hương, nai, dúi.
TRẦN NGÔ