Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, năm 2005 Sở Công nghiệp Phú Yên đã chọn 7 xã nghèo (nằm ngoài chương trình 135) để triển khai đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN).
Đó là các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây, Sơn Thành Đông, Sơn Giang, Xuân Sơn Bắc, An Thạch, An Phú. Dự án (DA) tiến hành đào tạo các nghề mây tre lá và hải sản khô tẩm sấy. Xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) được HTX mây tre lá Tân Hòa Bình phối hợp đào tạo nghề cho 70 lao động. DA hỗ trợ 5 cụm thiết bị cho 5 nhóm hộ, mỗi nhóm hộ được hỗ trợ 1 máy bắn đinh bằng hơi và 1 bình nén hơi.
Nghề sản xuất mây tre lá đang tạo nhiều việc làm cho lao động nông nhàn - Ảnh: HÀ BÍCH
Thu nhập bình quân ước tính từ sản xuất TTCN của mỗi lao động tham gia DA đạt 250.000- 300.000 đồng/ tháng. HTX sản xuất kinh doanh mây tre lá xuất khẩu Tân Hòa Bình là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm cung cấp vật tư nguyên liệu cho các hộ, tổ chức quản lý, điều hành sản xuất ở các nhóm hộ và chịu trách nhiệm tiêu thụ hết số lượng sản phẩm do các hộ sản xuất ra.
Trên cơ sở đó, HTX cũng xem các hộ như là những vệ tinh ổn định, lâu dài gắn liền với quá trình hoạt động SXKD và phát triển của HTX sau này. Riêng với nghề hải sản khô tẩm sấy, DA đã xây dựng mô hình sản xuất mực sấy tẩm gia vị tại xã An Phú. Đây là nghề mới du nhập và bước đầu đào tạo được 22 lao động.
Mặc dù nguyên liệu cho nghề này phụ thuộc vào mùa vụ nhưng sản phẩm mực khô tẩm gia vị mang nhãn hiệu Đông An Phú đã xuất hiện trên thị trường Phú Yên trong dịp Tết nguyên đán vừa qua.
Ưu điểm của mô hình sản xuất này là giải quyết tốt vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hộ tham gia DA. Người sản xuất không phải lo lắng về vấn đề này mà chỉ tập trung vào việc tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giao hàng đúng thời gian quy định.
BÍCH HÀ