Trên công trường thuỷ điện Sông Ba Hạ, gần 3000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang gấp rút chạy đua với mục tiêu vượt lũ trong năm nay. Hiện hơn 50% khối lượng công việc với những hạng mục quan trọng như cống dẫn dòng, đập tràn xả lũ, cụm đầu mối, đường hầm áp lực...đang trong giai đoạn hoàn thiện. Riêng khu vực đặt nhà máy đã hoàn thành chỉ tiêu san lấp mặt bằng.
Thi công đập chính thủy điện Sông Ba Hạ. (Ảnh: Phùng Hưng) |
Ông Tạ Hoàng
Thi công mặt bằng lắp đặt nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ. (Ảnh: Phùng Hưng)
Giữa ngổn ngang đất đá, mịt mờ khói bụi, cảm nhận chung của chúng tôi là không khí hăng say làm việc của những người công nhân thuộc các đơn vị đang thi công thuỷ điện Sông Ba Hạ. Tất cả họ dù đến từ những miền quê khác nhau, nhưng cùng có chung một mục đích đóng góp sức trẻ dựng xây đất nước. Khuôn mặt sạm đen nắng gió công trường , nhưng Trần Sĩ Huy vẫn cười rất tươi, anh tự hào cho biết: "Từ khi ra trường đến giờ, em đã làm hai công trình thuỷ điện. Ở công trường hàng ngày đối mặt với nắng gió, khói bụi nhưng chúng em thấy vui vì tuổi trẻ của mình có ích...". Ông Tạ Hoàng
Trưa, cái nắng miền núi càng trở nên gắt gao. Trong căn nhà mới khang trang ở khu tái định cư Suối Trai (huyện Sơn Hòa), trưởng thôn Ma Pác vui vẻ tiếp chúng tôi. Từ khi về buôn mới đời sống của gia đình Ma Pác và 79 hộ đồng bào Ê-Đê đã có nhiều thay đổi, cả buôn đã sáng điện, cái đường nhựa đã chạy ngay trước mặt nhà. Lũ trẻ không phải lang thang trong những mùa rẫy khô khát nữa, chúng sẽ được đi học cái chữ của bok Hồ. Nhà Ma Pác là một trong những gia đình tiên phong di dời ra khỏi vùng lòng hồ thuỷ điện. Rút kinh nghiệm trong công tác đền bù giải toả ở một số công trình trước, Phòng Môi trường- Tái định cư thuộc Ban quản lý thuỷ điện Sông Ba Hạ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực lòng hồ đi qua, giải quyết ổn thoả những khúc mắc của bà con. Mỗi hộ tái định cư sẽ được đền bù bằng hai hình thức: xây nhà tái định cư hoặc giao tiền cho đồng bào tự xây với mức đền bù là 70 triệu đồng. Ngoài ra các hộ dân còn được cấp đất canh tác để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên do diện tích lòng hồ lớn, trải rộng trên hai huyên Sông Hinh, Sơn Hoà và một phần thuộc huyện Krông Ba (Gia Lai) nên công tác di dân còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Nhật Văn, Phòng môi trường- tái định cư cho biết: " Hiện nay trong khu vực lòng hồ vẫn còn hơn 400 hộ chưa được di dời. Chúng tôi đang tích cực vận động bà con và khẩn trương xây dựng 6 khu tái định cư, chậm nhất là tháng 7-2006 bà con sẽ chuyển đến nơi ở mới trên địa bàn hai tỉnh Phú Yên, Gia Lai. Dự kiến số tiền dành cho công tác đền bù, tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ hơn 400 tỉ đồng".
Trên đường rời khỏi miền tây, tôi miên man nghĩ về trưởng thôn Ma Pác, lúc nói chuyện với tôi ông cứ chỉ tay về phía ngọn núi Cấm xanh rì bóng cây rồi thì thầm:" Cha ông mình ở đó, chỗ xa xanh kia!". Rồi bất chợt đôi mắt ông long lanh:" Dưới núi đó bây giờ có cái hầm dài làm ra cái điện...". Ừ! Phải rồi, dưới kia là những đường hầm áp lực dài 992m mai kia sẽ cuộn quay những turbin làm rực sáng cả núi rừng ngàn đời nay mê ngủ. Nơi ấy, bây giờ có những người công nhân đang bất kể ngày đêm miệt mài chinh phục sông Ba, trong tương lai gần thôi giữa đại ngàn xanh thẳm sẽ bừng lên dòng điện hoà vào nhịp chảy kinh tế đang cuồn cuộn từng ngày.
PHÙNG HƯNG