Việc gắn sao OCOP cho sản phẩm nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP vẫn chưa mạnh dạn, chủ động trong việc nâng sao OCOP.
Khó khăn trong nâng hạng
Sau 4 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn tỉnh có 39 chủ thể với 70 sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 61 sản phẩm đạt 3 sao. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sản phẩm nào được nâng từ 3 sao lên 4 sao, hay 4 sao lên 5 sao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, đại diện Công ty TNHH Hồng Đài Việt thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất dược liệu Miền Trung, phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa), cho biết: Hiện đơn vị có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là trà diệp hạ châu và trà dây thìa canh. Riêng sản phẩm trà diệp hạ châu được công nhận 3 sao OCOP năm 2020. Mặc dù đặt ra mục tiêu nâng hạng lên 4 sao, song quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, là việc tìm ra mẫu mã đặc trưng cho sản phẩm trà diệp hạ châu để không lẫn với các sản phẩm trà ở các địa phương khác là không dễ; việc đầu tư tem nhãn, bao bì sản phẩm còn hạn chế; trà thu hoạch theo mùa nên nguồn cung ra thị trường thiếu ổn định, không thường xuyên… Ngoài ra, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các kênh online, thương mại điện tử còn hạn chế nên việc nâng hạng sao cho sản phẩm cũng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) cho hay: “Việc nâng sao cho sản phẩm OCOP là cơ sở bước đầu để khẳng định thương hiệu sản phẩm và được nhiều người tiêu dùng tiếp nhận. Tuy nhiên, dù cố gắng nhưng đến nay, các sản phẩm đạt OCOP 3-4 của HTX vẫn chưa được nâng hạng sao”.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, quá trình nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu nhưng không phải bắt buộc với các chủ thể. Để thực hiện nâng từ 3 sao lên 4 sao, chủ thể phải chứng minh được việc mở rộng về quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, mở rộng thị trường tiêu thụ; các tiêu chí về chất lượng sản phẩm phải hoàn thiện theo thang điểm của sản phẩm 4 sao... Các sản phẩm OCOP từ 4 sao muốn nâng lên chất lượng 5 sao lại càng khó khăn, khi mức độ 5 sao là do hội đồng trung ương xét, công nhận.
Chủ động, mạnh dạn để nâng sao
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao để in, dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, OCOP sẽ là cơ sở, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phú (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) cho biết: Công ty có 5 sản phẩm được phân hạng OCOP, trong đó có 3 sản phẩm về đông trùng hạ thảo được xếp hạng 4 sao. Để sản phẩm đông trùng hạ thảo được nâng hạng sao, công ty đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp như: thay thế, cải thiện mẫu bao bì của sản phẩm để bảo đảm tiêu chí thân thiện với môi trường, đẹp mắt hơn, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm.
Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước chia sẻ, sau nhiều năm trồng đậu phộng theo đúng quy trình kỹ thuật và thực hiện 4 không: “không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc bảo quản, không chất kích thích, không dùng nước bẩn”…, đến năm 2020, khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm dầu phộng của HTX đã được đánh giá, phân hạng 3 sao. Từ đó, dầu phộng của HTX được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều. “Để xây dựng thành công chuỗi giá trị cho sản phẩm nông sản, HTX đang tiếp tục đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu... phấn đấu nâng hạng sản phẩm dầu phộng lên 4 sao trong năm 2023”, ông Dư nói.
Để giữ vững và tiếp tục nâng hạng sao cho các sản phẩm OCOP đã được phân hạng, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Thắng, thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để các doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được phân hạng. Đơn vị cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh để đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu của thị trường; chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm; nâng hạng sản phẩm; tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP của tỉnh hội nhập quốc tế.
Để nâng sao OCOP, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cấp, ngành, các cơ sở cần chủ động, mạnh dạn hơn trong đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dây chuyền sản xuất cũng như mẫu mã bao bì. Ngoài ra, các cơ sở cần chủ động nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển sản phẩm để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh |
THÁI NGỌC