Báo Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp với Báo Phú Yên, Sở TN&MT tổ chức diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VII - năm 2023 với chủ đề “Chuyển đổi xanh”. Phóng viên Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến thảo luận tại diễn đàn này.
BÀ NGUYỄN THỊ THU HOÀI, PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ TUYÊN TRUYỀN, BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền
Mục tiêu của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Việc chuyển mạnh nền kinh tế sang chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh trong giai đoạn phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là một lựa chọn tất yếu, là cơ hội lớn để Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, lồng ghép chuyển đổi xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giám sát và kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo bền vững về môi trường; tăng cường giáo dục và tuyên truyền cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc chuyển đổi xanh, khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên; hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh”. Nhà báo cần nghiên cứu và phân tích các chính sách, giải pháp, kết quả của các dự án chuyển đổi xanh để truyền tải thông tin cho cộng đồng một cách rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu. Nhân dân cần tham gia tích cực chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường bằng việc thay đổi cách sống, cách tiêu dùng…
TS PHẠM VĂN TẤN, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, BỘ TN&MT: Nỗ lực đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã cam kết nỗ lực đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của nhân loại, giúp Việt Nam tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Sau hơn 1 năm, việc thực hiện cam kết của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động… Các địa phương đã tổ chức quán triệt các cam kết của Việt Nam; tuyên truyền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn năng lượng xanh; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.
Một số địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng đề án thí điểm trao đổi tín chỉ các-bon rừng. Nhiều địa phương thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
NHÀ BÁO LÊ XUÂN TRUNG, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ: Báo chí thúc đẩy, giám sát chuyển đổi xanh
Vai trò của báo chí không chỉ là thúc đẩy mà còn giám sát chuyển đổi xanh. Trong công cuộc này, báo chí cùng lúc thực hiện ba chuyển đổi gồm chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi tư duy. Chuyển đổi xanh là thay đổi hoạt động, lối sống theo hướng thuận thiên để cải thiện chất lượng môi trường sống của chúng ta. Chuyển đổi số là chuyển hoạt động lên môi trường số để phát huy tối đa thế mạnh của công nghệ vào đời sống của chúng ta.
Nhà báo cần chuyển đổi tư duy theo hướng thúc đẩy, giám sát chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh và hiệu quả hơn. Nghĩa là tìm kiếm, phát hiện, theo đuổi, giám sát các đề tài về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để thúc đẩy các quá trình này diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn; tổ chức các sự kiện, diễn đàn, cuộc thi, chiến dịch truyền thông rộng rãi về chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó cần cùng trao đổi, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Đồng thời cần tổ chức, tham gia các chuyến đi thực tế để hiểu rõ hơn những mô hình, dự án thành công hay thất bại về chuyển đổi xanh, phát triển xanh…
ÔNG NGUYỄN THÁI HÒA, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ TN&MT: Thu hút các dự án chuyển đổi xanh, phát triển xanh
Thời gian qua, tỉnh luôn quán triệt quan điểm phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Phú Yên cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức như: Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh, Quỹ Môi trường toàn cầu, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga… để triển khai nhiều hoạt động thiết thực về sinh thái cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phải bền vững, dựa trên tiềm năng, lợi thế, qua đó xác định hướng đi để đầu tư phát triển. Tỉnh đang kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, có công nghệ thân thiện với môi trường, giải quyết các vấn đề suy thoái hệ sinh thái, môi trường nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng 0, từng bước cải thiện môi trường sống của người dân.
ANH NGỌC (ghi)