Các thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhất trí cho Anh gia nhập khối này.
Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của Nhóm làm việc về gia nhập CPTPP ngày 31/3. Sự kiện trên đánh dấu đợt mở rộng đầu tiên của hiệp định và giúp tăng sự đóng góp của khối trong GDP toàn cầu từ 12% lên 15%.
Bộ trưởng Tái thiết kinh tế của Nhật Bản, ông Shigeyuki Goto hoan nghênh việc Anh sẽ gia nhập CPTPP, khẳng định đây là sự kiện “rất có ý nghĩa” trong việc thúc đẩy các giá trị như tự do thương mại và tạo ra thị trường mở và cạnh tranh ở trong và ngoài khu vực Thái Bình Dương.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: “Gia nhập CPTPP sẽ đưa Anh vào vị trí trung tâm của một nhóm các nền kinh tế năng động và đang phát triển mạnh tại Thái Bình Dương, trong vai trò thành viên mới đầu tiên và là nước châu Âu đầu tiên gia nhập khối”.
Ông Sunak khẳng định “các doanh nghiệp Anh giờ đây sẽ được hưởng sự tiếp cận chưa từng có vào các thị trường từ châu Âu đến Nam Thái Bình Dương”.
Quyết định của Nhóm làm việc sẽ được trình lên Hội nghị cấp bộ trưởng của CPTPP để phê chuẩn vào tháng 7 tới. Tuyên bố sau cuộc họp cho biết nhóm làm việc, do Nhật Bản chủ trì, sẽ phối hợp với Anh để hoàn tất tiến trình gia nhập đúng lúc.
CPTPP được thành lập vào năm 2018, hiện gồm 11 thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Sau khi Anh trở thành thành viên, CPTPP sẽ trở thành thị trường của hơn 500 triệu dân với tổng GDP ước tính hơn 13,6 nghìn tỉ USD.
Chính phủ Anh cho biết hiệp định này sẽ giúp họ giảm thuế nhập khẩu ôtô, rượu và sản phẩm từ sữa. GDP Anh sẽ tăng thêm 1,8 tỉ bảng (2,2 tỉ USD) mỗi năm trong dài hạn. Con số này có thể tăng thêm nếu nhiều nước gia nhập hơn nữa.
Kể từ khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh đã tìm cách thúc đẩy giao thương với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dự báo rằng khu vực này sẽ đóng góp phần lớn trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2050.
Theo TTXVN/Vietnam+