Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa triển khai mô hình thâm canh cây mít tại xã Hòa Mỹ Tây từ năm 2019. Sau hơn 3 năm triển khai, cây mít sinh trưởng ổn định, đạt độ cao trung bình từ 1,5-2m và đã cho trái bói, bước đầu mang lại nguồn thu nhập cho các hộ trồng.
Ông Lê Văn Bông bên vườn mít của gia đình. Ảnh: THÁI NGỌC |
Giúp nông dân phát triển kinh tế
Năm 2019, mô hình được triển khai với quy mô 4ha, có 6 hộ tham gia, với giống mít thái siêu sớm changrai và áp dụng các biện pháp thâm canh như nhau. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 70% về giống, 35% về vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 100% kinh phí tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật về trồng thâm canh cây mít.
Tại hội nghị tổng kết mới đây, ông Lưu Hoàng Việt ở xã Hòa Mỹ Tây, đại diện hộ dân tham gia mô hình chia sẻ ông và các hộ khác trong xã đều rất vui mừng khi được hỗ trợ trồng cây mít thái. “Trên diện tích gần 1ha với hơn 50 gốc mít thái, qua thời gian trồng, chăm sóc và theo dõi, vườn mít của gia đình tôi phát triển rất tốt và đã cho ra trái bói từ năm 2021. Để dưỡng sức cho cây, tôi lặt bỏ trái bói gần hết, chỉ để lại vài trái dùng thử. Năm 2022, tôi bắt đầu bán mít trái với giá 10.000-12.000 đồng/kg, thu được hơn 5 triệu đồng/vụ. Hiện vườn mít tiếp tục ra trái vụ”, ông Việt nói.
Ông Lê Văn Bông ở xã Hòa Mỹ Tây cũng đang trồng gần 100 cây mít thái từ mô hình này. Ông Bông cho hay: “Mít Thái trồng sau khoảng 20 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch và sản lượng sẽ tăng dần từ năm thứ hai trở đi. Hiện các cây mít trong vườn nhà mới chỉ cao 1,5-2m nhưng trung bình có khoảng 5-8 trái/cây. Mỗi trái nặng từ 3-5kg. Mặc dù mới năm thứ hai nhưng vườn mít đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Chắc chắn năm sau sản lượng mít sẽ nhiều hơn”.
Tiếp tục định hướng nhân rộng
Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mít thái có đặc điểm dễ trồng, kháng bệnh tốt, nhanh cho trái và cho trái quanh năm; mít khi chín có thịt vàng đậm, rất ít xơ, ráo nước, giòn ngọt và có mùi thơm dịu, khi bán mang lại lợi nhuận cao. Do vậy, cây mít đang được nhiều nông dân ở các địa phương trong tỉnh chọn trồng để phát triển kinh tế. “Mô hình trồng thâm canh cây mít tại xã Hòa Mỹ Tây bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình”, ông Tuấn cho biết.
Cán bộ kỹ thuật khuyến nông cho hay khi chọn giống, bà con lưu ý nên chọn cây ghép nhưng phải là dòng F1 thuần chủng, như vậy mới đảm bảo về năng suất và chất lượng. Việc trồng cây được triển khai từ tháng 5-7 (đầu mùa mưa) hàng năm. Thời điểm này cây bén rễ nhanh, tỉ lệ sống cao và phát triển tốt. Tuy nhiên, nếu bà con chủ động được nguồn nước có thể trồng sớm hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây, mô hình thâm canh cây mít phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Cùng với sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc triển khai nên mô hình đến nay đã thành công. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình quan tâm chăm sóc để cây mít ngày càng phát triển hơn ở giai đoạn kinh doanh.
“Có thể nói, phát triển một loại cây trồng mới, mô hình mới, có hiệu quả tốt cho bà con là điều hết sức đáng mừng. Hy vọng, với những định hướng và chính sách phù hợp của các cấp, ngành tại địa phương, mô hình trồng mít thâm canh ở xã Hòa Mỹ Tây từng bước góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Bảy nói.
Mít thái đang là loại cây trồng phổ biến, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Với mục tiêu phát triển vùng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với trạm khuyến nông các huyện cung ứng giống mít để nông dân mở rộng diện tích trồng cây ăn trái trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh |
THÁI NGỌC