Kho bạc “3 không” (không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp và không chứng từ giấy) là mục tiêu phát triển của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2025 gắn với Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022.
Để thực hiện mục tiêu nói trên, thời gian qua, KBNN Phú Yên đã đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt nghiệp vụ, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân có giao dịch với kho bạc.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Hiện nay, tại bộ phận một cửa của KBNN Phú Yên trong ngày làm việc không còn cảnh xếp hàng chờ đợi, cũng không có giao dịch tiền mặt như trước. Toàn bộ hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống KBNN Phú Yên đều được thực hiện dưới hình thức thanh toán điện tử. Đây là kết quả bước đầu của việc triển khai đề án Thanh toán không dùng tiền mặt tại KBNN Phú Yên.
Cụ thể, trong công tác thu NSNN, KBNN Phú Yên đã triển khai đồng bộ các hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách điện tử với các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thời gian thực hiện giao dịch và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Với việc ký thỏa thuận phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, MB, LienVietPostBank, MSB, VPBank), KBNN Phú Yên đã giúp mở rộng không gian làm thủ tục nộp thuế, giảm thời gian nộp thuế. Qua đó, người nộp thuế được cung cấp thêm các dịch vụ nộp đa dạng, văn minh, hiện đại với quy trình thu nộp đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp, góp phần thực hiện các dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện. Công tác phối hợp thu NSNN giữa KBNN Phú Yên và các ngân hàng thương mại cũng giúp cho toàn bộ khoản thu NSNN qua ngân hàng được ghi nhận trực tiếp ngay vào hệ thống các tài khoản của KBNN tại ngân hàng, bảo đảm tập trung kịp thời vào NSNN.
Đối với KBNN Phú Yên, ngoài việc tập trung nhanh, kịp thời hơn các khoản thu vào NSNN, không phải qua các khâu trung gian, công tác phối hợp thu NSNN với các ngân hàng còn giúp giảm thiểu khối lượng công việc thu NSNN tại KBNN Phú Yên, tạo điều kiện cho đơn vị tiếp tục tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kết quả hợp tác giữa KBNN Phú Yên và các ngân hàng thương mại cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao năng suất lao động của xã hội và góp phần số hóa nền kinh tế.
Bên cạnh các khoản thu NSNN, các khoản thu phạt vi phạm hành chính bằng tiền mặt cũng được nộp trực tiếp và không phải trả phí nộp tiền tại trụ sở chính và các điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại nơi KBNN Phú Yên đã ủy nhiệm thu. Còn toàn bộ các khoản chi tiền mặt của các đơn vị giao dịch với Văn phòng KBNN Phú Yên thì được chi trả kịp thời tại trụ sở chính VietinBank Phú Yên theo quy trình thanh toán song phương điện tử giữa KBNN với ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, KBNN Phú Yên còn đề nghị các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán chi tiêu công, thu phí dịch vụ công, chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu, mở rộng việc trả lương, thu nhập qua tài khoản..., kể cả người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường; vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động tăng cường sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Với các giải pháp trên, đến nay 94,5% số thu NSNN đã thực hiện qua các ngân hàng thương mại được KBNN Phú Yên ủy nhiệm thu và 4,5% số thu NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử.
Kho bạc Nhà nước Phú Yên hướng tới mục tiêu “3 không”. Ảnh: TRUNG KIỆT |
Hướng tới kho bạc số
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng kho bạc “3 không”, thời gian qua, KBNN Phú Yên còn triển khai giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến của KBNN, đáp ứng mục tiêu cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, rút ngắn thời gian, minh bạch về quy trình, hồ sơ chứng từ và nội dung kiểm soát. Sau 4 năm thực hiện, đến nay, 100% đơn vị dự toán đã tham gia dịch vụ công trực tuyến khi giao dịch với kho bạc (trừ khối an ninh - quốc phòng) và 98% đơn vị thuộc diện không bắt buộc cũng đã tham gia.
Đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân là khách hàng của KBNN Phú Yên, dịch vụ công trực tuyến mang lại lợi ích trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính và hiện đại hóa hoạt động của đơn vị, tổ chức, cá nhân khi không phải mang hồ sơ, chứng từ trực tiếp đến trụ sở cơ quan KBNN, qua đó giảm thời gian giao dịch, tiết kiệm chi phí đi lại. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã phát huy được vai cũng như chức năng, giúp hệ thống KBNN Phú Yên thực hiện tốt mục tiêu kép là giãn cách xã hội và đảm bảo hoạt động thông suốt. Khách hàng không phải tập trung tại KBNN các cấp trên địa bàn tỉnh mà vẫn thực hiện giao dịch thanh toán chi NSNN bình thường thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Nhờ các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, toàn hệ thống KBNN Phú Yên đã chi ngân sách kịp thời cho các đơn vị thụ hưởng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN Phú Yên. Hiện dịch vụ công trực tuyến được tích hợp ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia với tốc độ thanh toán nhanh, chính xác, rút ngắn thời gian xử lý chứng từ trong ngày làm việc.
Với điểm nhấn xây dựng kho bạc điện tử nhằm nâng cao tính an toàn, hiện đại, hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN và chuyển mạnh sang tư duy hành chính phục vụ, hiện quy trình kiểm soát chi được KBNN Phú Yên hoàn thiện theo hướng ngày càng đơn giản, rõ ràng, minh bạch. Hồ sơ, quy trình thủ tục được đơn giản hóa, thực hiện kiểm soát, thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”, thời hạn kiểm soát, thanh toán trong 1 ngày làm việc. Trường hợp thực hiện “kiểm soát trước, thanh toán sau”, thời gian kiểm soát, thanh toán vốn tối đa 3 ngày làm việc đối với vốn đầu tư công NSNN; đối với chi thường xuyên thực hiện trong thời gian 1 ngày. KBNN Phú Yên cũng thực hiện giao dịch “một cửa, một giao dịch viên” và theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị thực hiện giao dịch với kho bạc.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quy trình còn giúp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tại các phòng chuyên môn của KBNN Phú Yên. Hiện hệ thống KBNN Phú Yên đã thực hiện, xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội ngành; sử dụng mạng nội bộ và hộp thư điện tử trong giải quyết công việc; cung cấp thông tin kịp thời trên trang thông tin điện tử của ngành.
Hành trình tiến tới kho bạc số đang được KBNN Phú Yên từng bước triển khai, thực hiện. Khó khăn, thách thức còn ở phía trước, nhưng với kinh nghiệm từ việc xây dựng kho bạc điện tử cùng với truyền thống đoàn kết, nỗ lực đổi mới, sáng tạo của toàn thể cán bộ, công chức trong toàn hệ thống, KBNN Phú Yên sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành kho bạc số theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra, góp phần cùng cả nước hướng tới chính phủ số. |
BÙI VĂN SANG
Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Phú Yên