Thứ Bảy, 30/11/2024 01:48 SA
Ồ ạt chuyển sang nuôi tôm thẻ:
Lợi bất cập hại
Thứ Ba, 23/09/2008 15:11 CH

Vụ tôm năm 2008, nông dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng tại một số vùng ven biển ở Phú Yên đạt năng suất rất cao. Ưu điểm của tôm thẻ là thời gian nuôi ngắn, ít bị dịch bệnh, chi phí thấp, thu lãi cao...…Chính những hấp lực này khiến cho phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, việc người dân chuyển đổi ồ ạt diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ đã dẫn đến hệ quả là tôm bệnh hoặc bị sốc nước chết hàng loạt...

 

tthe1-080923.jpg

Bán tôm thẻ chân trắng thương phẩm sau khi thu hoạch. - Ảnh: N.LƯU

 

Ồ ẠT NUÔI TÔM THẺ Ở HẠ LƯU SÔNG BÀN THẠCH

 

Mùa mưa lũ đang rất gần nhưng người dân vẫn còn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa). Tại cánh đồng tôm Vũng Tàu thuộc xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), hàng chục hồ tôm đang tung bọt trắng xóa. Bên hồ tôm đang thu hoạch, anh Bùi Minh Lý, ở thôn Đa Ngư, cho hay: “Mấy năm trước nuôi tôm sú bị thất bại nặng. Năm nay, tôi thả nuôi tôm thẻ vụ một lãi trên 30 triệu đồng. Do vậy, tôi tiếp tục thả 20 vạn tôm thẻ nuôi vụ hai trên diện tích 1.500m2, thu hoạch được 1,5 tấn tôm bán với giá 50.000 đồng/kg, lãi ròng 30 triệu đồng”.

 

Ông Ngô Tận, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam, cho biết, nuôi tôm thẻ thu lãi cao, nên nhiều người ồ ạt chuyển đổi các diện tích nuôi tôm sú ở hạ lưu sông Bàn Thạch như sông Ngoạn, Gò Chày, Sét Cháy, Vũng Tàu… sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong vụ một, bà con thả nuôi trên diện tích 323ha, trong đó có đến 290ha tôm thẻ, thu hoạch đạt năng suất từ 4,5 – 6 tấn/ha. Đặc biệt, tôm thẻ thả nuôi ở sông Ngoạn đạt năng suất rất cao, hơn 8 tấn/ha. Nhờ đó, hầu hết người nuôi tôm thẻ vụ một đều thu lãi từ 15 – 200 triệu đồng. Điển hình như hộ ông Phạm Rùm, ở thôn Đa Ngư, nuôi tôm thẻ trên diện tích 2 ha thu lãi hơn 200 triệu đồng,…

 

Liên tiếp trong nhiều năm liền, đồng nuôi tôm sú ở hạ lưu sông Bàn Thạch bị dịch bệnh nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng cho người nuôi, hàng trăm ao đìa bị bỏ hoang trong suốt thời gian dài. Vì vậy, người dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Đỗ Kim Đồng, Phó Phòng Kinh tế huyện Đông Hòa cho biết, đến nay, nông dân huyện Đông Hòa đã thả nuôi trên diện tích 636ha, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ lên đến 568ha, chỉ có 68ha nuôi tôm sú. Tôm thẻ nuôi vụ một đạt năng suất cao, bình quân 3,45 tấn/ha, trong khi đó hầu hết diện tích tôm sú đều thu hoạch non, năng suất thấp và bán với giá thấp, 99% hộ nuôi tôm sú bị lỗ vốn.

 

tthe-080923.jpg

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa)- Ảnh: N.LƯU

 

HỆ QUẢ TỪ CHẠY THEO LỢI NHUẬN

 

Ưu điểm của tôm thẻ là thời gian nuôi ngắn, ít bị dịch bệnh, chi phí thuốc và hóa chất phòng trị bệnh thấp, thu hoạch đạt năng suất cao, thị trường tiêu thụ, giá cả tương đối ổn định… Chính vì vậy mà phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh. Tuy nhiên, khi được nuôi trên diện tích lớn, dường như tôm thẻ đang lặp lại đúng kịch bản của tôm sú, là đã xuất hiện bệnh. Nguồn giống trôi nổi, người dân thả nuôi tôm thẻ quá dày, nuôi nhiều vụ gây dịch bệnh hoặc tôm bị stress chết hàng loạt. Hiện nay, người nuôi ở xã Hòa Hiệp Nam đã thả tôm thẻ vụ 2 trên 50ha, trong đó đã có 25ha tôm bị sốc nước chết. Toàn huyện Đông Hòa đã có hơn 24ha tôm thẻ chân trắng nuôi vụ hai 1 – 1,5 tháng tuổi bị thân đỏ mất trắng.

 

Theo ông Đỗ Kim Đồng, Phó phòng Kinh tế huyện Đông Hòa, nguyên nhân là do người nuôi tôm xử lý cải tạo ao đìa sau khi thu hoạch vụ một không đảm bảo, môi trường nước ô nhiễm kết hợp với thời tiết nắng nóng làm tôm bệnh, chết. Bên cạnh đó, hiện nhiều người cũng chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, chưa được tham quan, học tập mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiện đại để áp dụng vào sản xuất. Thực tế đã có một số hộ mới nuôi tôm thẻ đầu tiên đã bị dịch bệnh lỗ vốn nặng. Hộ ông Phan Ngọc Ty ở Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, nuôi tôm thẻ bị sốc nước chết, lỗ hơn 15 triệu đồng; hộ ông Minh Hết ở xã Hòa Xuân Đông, thả tôm thẻ nuôi vụ hai ở đồng Vao, đồng Quánh được 20 ngày tuổi bị bệnh chết hàng loạt…

 

Diện tích tôm thẻ phát triển theo kiểu “da beo” nằm rải rác ở các vùng cát cao triều, nằm xen lẫn trong các đồng tôm sú ở hạ lưu sông Bàn Thạch, ở ven biển các huyện Sông Cầu, Tuy An. Hầu hết, các hồ nuôi nhỏ lẻ ở nhiều khu vực khác nhau và không có bể xử lý nước, nên nước thải xả ra kênh, ra biển gây ô nhiễm môi trường. Trước sự buông lỏng, thả nổi quản lý của ngành chức năng và địa phương, người dân vô tư nhập giống tôm thẻ kém chất lượng, chưa được kiểm dịch từ các nơi khác như Quảng Ninh, Bạc Liêu, Khánh Hòa… để thả nuôi. Điều này có thể làm phát sinh hội chứng bệnh Taura trên tôm thẻ chân trắng, gây thiệt hại như ở tôm sú. Lâu nay, toàn tỉnh Phú Yên chỉ có Công ty TNHH Asia Hawaii sản xuất giống tôm thẻ nên không đủ cung ứng cho nhu cầu thả tôm nuôi ngày càng tăng. Do vậy, hiện nay, một số cơ  sở sản xuất giống trong tỉnh đã nhập tôm thẻ không đảm bảo chất lượng từ Trung Quốc để ương nuôi và cung ứng cho người dân. Nguy hiểm hơn, tôm bố mẹ chân trắng tuyển từ tôm thương phẩm vẫn có thể cho đẻ nhân tạo, nhưng cho ra thế hệ tôm con yếu, dễ nhiễm bệnh.

 

Theo ông Đỗ Kim Đồng, trong năm tới, người nuôi tôm sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ. Do vậy, nguy cơ ô nhiễm môi trường, xảy ra dịch bệnh tôm thẻ, gây thiệt hại nặng cho người nuôi là khó tránh khỏi, nếu như các ngành chức năng, địa phương không sớm triển khai thực hiện các biện pháp kiểm tra môi trường, kiểm dịch chất lượng giống, quy hoạch và quản lý, ngăn chặn nuôi tôm thẻ tự phát nhiều vụ như hiện nay…

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên Chế Bá Hùng:

“Phải quản lý chặt chẽ nguồn giống, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng”

 

Đến nay, ngành nông nghiệp vẫn xác định nuôi con tôm sú là chủ lực chứ chưa có chủ trương khuyến khích người dân nuôi tôm thẻ trên diện tích rộng lớn. Ngành vẫn chưa quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm thẻ; mặt khác dự án thủy lợi cho vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) hạ lưu sông Bàn Thạch phải tạm dừng. Trong khi đó, hiện nay, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng đã phát triển trên diện rộng, nhất là ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch. Điều này dẫn đến khó khăn trong quản lý, định hướng NTTS trên địa bàn tỉnh. Nếu không có giải pháp quy hoạch vùng nuôi, xử lý môi trường, quản lý chất lượng giống…, thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại nặng cho người nuôi và bỏ trắng ao đìa như tôm sú là khó tránh khỏi!

 

Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ven biển phối hợp tăng cường quản lý chặt chẽ các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, kiên quyết không cho người dân thả tôm thẻ nuôi vụ 2. Đồng thời khuyến cáo người dân cẩn thận trong việc chuyển đổi ao nuôi tôm thẻ, thực hiện đúng quy trình cải tạo ao nuôi, xử lý môi trường, thả tôm thưa, nuôi đúng thời vụ…; vận động người nuôi tự giác khai báo nguồn giống để kiểm dịch trước khi thả nuôi. Ngành nông nghiệp tăng cường kiểm tra, kiểm dịch chất lượng giống; quản lý các cơ sở sản xuất giống tôm thẻ trên địa bàn tỉnh.

 

NGUYÊN LƯU (ghi)

 

LƯU PHONG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek