Thứ Năm, 03/10/2024 05:30 SA
Đào tạo nghề cho nông dân thông qua các hợp tác xã:
Phải theo nhu cầu thực tiễn của từng địa phương
Thứ Năm, 18/09/2008 10:32 SA

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội hôm nay đặt ra yêu cầu: Người nông dân cần được đào tạo nghề để tăng thu nhập. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc dạy nghề cho nông dân, song vẫn còn đó những tồn tại cần được giải quyết để hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên.

 

May-tre-la-SCau-1-080918.jpg
Dạy nông dân học nghề đan mây tre lá ở xã Xuân Lộc (huyện Sông Cầu) – Ảnh: MINH NGUYỆT

 

NHIỀU KHÓ KHĂN

 

Suốt 4 năm qua, HTX Đông Hòa An (huyện Phú Hòa) phối hợp với Hội Nông dân, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên (LĐ-TB-XH) mới chỉ mở được 3 lớp sản xuất giống nông hộ, đan mây tre lá, kỹ thuật chăn nuôi dành cho xã viên, nông dân. Còn HTX An Ninh Đông (huyện Tuy An), từ đầu năm đến nay chỉ mới mở được một lớp dạy nghề hàn gò cho 24 nông dân, với thời gian đào tạo chưa hết tuần lễ rồi… “im luôn”! HTX này cũng đang có hướng mở lớp đào tạo nghề mây tre cho xã viên nhưng khi nào triển khai thì… chưa biết! Với số lớp đào tạo quá ít ỏi như trên thì người lao động, nhất là lao động nông nhàn, khó có nghề để cải thiện kinh tế gia đình. Đấy cũng là tình trạng chung của việc đào tạo nghề thông qua các HTX nông nghiệp ở Phú Yên.

 

Ông Võ Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm HTX An Ninh Đông (huyện Tuy An) cho biết: “Các HTX  khó có thể tự đứng ra tổ chức đào tạo nghề cho nông dân bởi hầu hết đều phụ thuộc về số lượng ngành nghề, chỉ tiêu chiêu sinh, thời gian khóa học mà tỉnh giao cho. Bên cạnh đó, việc giao ngành nghề đào tạo của cấp trên cũng còn bất cập do không phù hợp với địa phương”. Chung suy nghĩ này, ông Lê Văn Tiến, Phó chủ nhiệm HTX Đông Hòa An, phân tích: “Thay vì mở những nghề thông dụng và quá quen thuộc, Sở LĐ-TB-XH nên chọn những ngành nghề mà người dân địa phương đó chưa biết đến và có tiềm năng về đầu ra. Chẳng hạn, cấp trên vừa thông báo sẽ mở nghề hàn – gò tại địa phương chúng tôi, song qua vài tuần thông báo mà chỉ có mấy người đến đăng ký, vì người dân thấy không thể có thu nhập khá từ nghề này tại địa phương”. Mặt khác, theo ông Tiến, chế độ phụ cấp 5.000 đồng/người/ngày cho những ai đi học nghề theo quy định đã bị bỏ từ lâu, nên nông dân càng lười… đi học hơn trước.

 

Một lý do khác, theo nhiều nông dân, giáo trình của người đứng lớp còn nặng về lý thuyết,  thời gian thực hành chưa nhiều, thiếu dụng cụ thực hành. Vì thế, được đào tạo xong, nhiều học viên vẫn thiếu tự tin trong việc vận dụng kiến thức học được vào làm ăn, sản xuất.

 

ĐÀO TẠO PHẢI THEO NHU CẦU

 

Làm thế nào để giải quyết những khó khăn nêu trên, đưa việc đào tạo nghề cho nông dân thông qua các HTX trở thành hoạt động cần thiết, thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực? Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Lãng cho rằng, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải thiết lập kênh liên lạc giữa các trung tâm dạy nghề với các tổ chức, đoàn thể tại xã như HTX, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… theo phương châm “nhu cầu học nghề gì, học đến đâu thì đáp ứng, giải quyết đến đó”. Phải đào tạo những ngành nghề mà nông dân cần. Để làm được như thế, các ngành, các cấp ở địa phương phải có ý kiến đề xuất, đề nghị đào tạo ngành gì, nghề gì cho phù hợp với điều kiện, con người của địa phương, thay gì thụ động ngồi chờ phân bổ chương trình.

 

Về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên Lê Luân nói: “Đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu người học, phù hợp với đặc trưng của từng vùng, từng địa phương nhằm giúp nông dân có khả năng vận dụng nghề được học để có thể nâng cao kinh tế. Chẳng hạn, chúng tôi thực hiện chương trình “Đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cho người lao động nghèo”, chỉ tiêu phân bổ chỉ có 25 học viên, nhưng nhận thấy đây là ngành học thiết thực cho nông dân nên quyết định nhận luôn 20 học viên đăng ký vượt chỉ tiêu. Kết quả, sau khi học xong, tất cả 45 người đều thành thạo tay nghề, 100% sản phẩm họ làm ra đều có nơi tiêu thụ ổn định”.

 

Được biết, hiện Liên minh HTX Phú Yên đang tiến hành khảo sát toàn diện nhu cầu thực tế về đào tạo nghề của người dân để có hướng đào tạo và phối hợp đào tạo tốt hơn trong thời gian tới.

 

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, trong  9 tháng đầu năm 2008, Phú Yên đã tuyển  5.528 học viên cho các lớp đào tạo nghề. Trong đó, có 1.328 học viên theo học các lớp nghề dài hạn, 4.200 học viên theo học các lớp nghề ngắn hạn và đã có 3.102 học viên tốt nghiệp. Các trung tâm dạy nghề cũng đã mở 107 lớp đào tạo 12 ngành nghề cơ bản cho 1.860 nông dân, xã viên tại các HTX. Tuy số lượng đào tạo có tăng hơn trước, nhưng theo đánh giá của Phòng Dạy nghề  thuộc sở  này, kết quả trên cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của nông dân.

 

HOÀNG XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek