Thời gian qua, nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) đã tiếp sức cho nhiều hội viên người mù vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Qua đó giúp họ cải thiện đời sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Cải thiện đời sống, tự tin hòa nhập
Sau nhiều năm hoạt động, cơ sở massage Khiếm thị ở đường Lê Trung Kiên (phường 2, TP Tuy Hòa) do chị Huỳnh Công Hạnh, một người bị mù bẩm sinh làm chủ, có một số máy móc hư hỏng. Cần vốn để đầu tư máy mới, thông qua Hội Người mù tỉnh, chị Hạnh được NHCSXH Phú Yên giải ngân cho vay 30 triệu đồng. Nhờ lượng khách hàng ổn định, cơ sở tạo được việc làm cho 10 người khiếm thị và 2 người bình thường. Mới đây, chị Hạnh tiếp tục mở thêm một cơ sở massage Khiếm thị ở đường Nguyễn Công Trứ (phường 4, TP Tuy Hòa).
Chị Hạnh cho biết: Thời gian đầu ra kinh doanh, chúng tôi gặp khó trong việc xoay vòng vốn và quảng bá cơ sở đến đông đảo khách hàng. Nguồn vốn của NHCSXH đến kịp thời, giúp cơ sở vượt qua cơn thắt ngặt. Hiện chúng tôi đã trả gần hết số tiền vay 30 triệu đồng nên sắp tới, tôi mong tiếp tục được ngân hàng tạo điều kiện cho vay mới để đầu tư thêm máy móc, ổn định hoạt động cho cơ sở mới.
Cơ sở sản xuất tăm tre của anh Nguyễn Nhật Tùng ở xã An Hiệp, huyện Tuy An hiện có 4 lao động là người mù, người khuyết tật đang làm việc. Theo anh Tùng, anh không may mắn khi đôi mắt bị mù hoàn toàn từ nhỏ nhưng bằng nghị lực, sự động viên về tinh thần và hỗ trợ vật chất của tổ chức hội và NHCSXH, từ hai bàn tay trắng, anh không chỉ gầy dựng nên cơ sở làm tăm tre mà còn có vốn chăn nuôi bò, cải thiện thu nhập.
Ngoài ra, anh Tùng còn đi học chữ nổi Braille để có điều kiện học hỏi thêm kiến thức mới, phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh. “Khi bị mù, đôi lúc tôi cảm thấy cuộc sống bế tắc và bản thân đầy mặc cảm tự ti, không muốn tiếp xúc với xã hội. Tuy nhiên, từ khi có vốn, có công việc, tôi tự tin hơn vì biết mình vẫn có thể làm việc, nuôi sống gia đình, giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ có thu nhập”, anh Tùng chia sẻ.
Không đầu hàng số phận, ông Phan Ngọc Tuấn ở xã An Dân, huyện Tuy An cũng là một tấm gương vượt khó vươn lên sau khi được hỗ trợ vốn từ NHCSXH. Ông Tuấn cho biết, cách đây 20 năm, do bị bệnh nên đôi mắt của ông mờ dần rồi không còn nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên, ông may mắn khi có sự chia sẻ, đồng hành của người vợ tảo tần. Gia cảnh nghèo khó, lại đông con nên ông phải mò mẫm tự làm mọi việc và trăn trở tìm hướng làm ăn để thoát nghèo.
Năm 2015, gia đình ông được Hội Người mù huyện Tuy An tín chấp với NHCSXH cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để chăn nuôi bò. Trả nợ đầy đủ, đúng hạn, ông tiếp tục được cho vay xoay vòng để tái đàn, phát triển sản xuất. Theo ông Tuấn, cách đây mấy năm, gia đình ông vẫn còn thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất cơ cực. Từ ngày có vốn, có hướng làm ăn, đời sống dần cải thiện. Đến nay, hộ ông Tuấn đã thoát nghèo, kinh tế gia đình không còn thiếu trước hụt sau như trước.
Đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên người mù
Ông Trần Văn Thống, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, những năm qua, nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH Phú Yên đã tiếp sức cho nhiều hội viên người mù trên địa bàn tỉnh có điều kiện sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Điều đáng mừng là hầu hết hội viên khiếm thị đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tạo việc làm, có thu nhập bằng chính công sức của mình. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của hội viên người mù được nâng lên đáng kể, giúp họ tự tin, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Đến nay, NHCSXH Phú Yên đã giải ngân hơn 500 triệu đồng vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho hội viên người mù trên địa bàn tỉnh vay với lãi suất ưu đãi 3,96%/năm. “Phần lớn người mù đều chịu thương, chịu khó. Tuy nhiên, do khiếm khuyết của bản thân, năng suất lao động của họ thường không cao nên không ít người còn e ngại khi tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH. Thông qua chương trình vay vốn, NHCSXH Phú Yên mong muốn tạo điều kiện, động viên hội viên người mù mạnh dạn vay vốn làm ăn, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, vươn lên khẳng định mình”, ông Thục chia sẻ.
Theo ông Thục, thời gian tới, NHCSXH Phú Yên cam kết tiếp tục phối hợp đồng bộ với Hội Người mù tỉnh và các cấp hội địa phương để triển khai cho vay, đảm bảo các hội viên người mù trong độ tuổi lao động và có nhu cầu đều được vay vốn giải quyết việc làm để phát triển kinh tế.
Hội Người mù tỉnh sẽ quản lý, phân bổ vốn vay đến đúng đối tượng; khuyến khích hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả nguồn vốn, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Bên cạnh đó, hội cũng thường xuyên kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay của hội viên; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để đề xuất ngân hàng cho vay kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của hội viên người mù trên toàn tỉnh. Ông Trần Văn Thống, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh |
LÊ HẢO