Chủ Nhật, 24/11/2024 09:31 SA
Nhiều mối nguy khi khai thác trắng rừng trồng
Thứ Năm, 10/11/2022 09:21 SA

Những cánh rừng trồng sau khi khai thác sẽ để lại đồi núi trống gây ảnh hưởng môi trường. Ảnh: NHẬT HUY

Trồng keo lấy gỗ là sinh kế chủ lực của người dân các huyện miền núi trong tỉnh. Tuy nhiên, đến mùa khai thác, những ngọn đồi trọc lại trở thành nguy cơ ảnh hưởng môi trường.

 

Nhiều đồi trọc

 

Hiện là mùa mưa, nhưng hình ảnh người dân khai thác keo tại các huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân… vẫn diễn ra ồ ạt. Lý do là gỗ keo đang có giá (khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/tấn), nên nhiều người vội vàng khai thác, bất chấp thời tiết không thuận lợi.

 

Theo quan sát của phóng viên, cùng với hình ảnh đoàn xe tấp nập chở keo là những ngọn đồi trọc, mất trắng thảm thực vật che phủ. Nghịch lý này diễn ra khá phổ biến ở những nơi trồng keo diện tích lớn của tỉnh. Điều này từng được cảnh báo từ cách đây nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết hiệu quả và tiếp tục ẩn chứa nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường.

 

Theo ông Đoàn Văn Bình (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa), mỗi khi khai thác keo, người dân thường khai thác hết diện tích để giảm bớt chi phí lao động khai thác. Trong khi đó, già làng Ma Be ở làng Bà Đẩu, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, cho biết: Người dân rất lo ngại trước tình trạng khai thác keo đồng loạt như vậy, nhưng buộc phải chấp nhận thực tế. Không còn rừng cây giữ nước, đất đá trên núi cũng trôi xuống các con đường đến làng.

 

Theo ông Lê Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, kết quả phát triển rừng trồng của tỉnh rất tích cực. Tuy nhiên, trồng rừng thuần loài và khi thu hoạch thì khai thác trắng cả khu đồi lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính đa dạng sinh học, nguy cơ lũ lụt... Thực tế cho thấy, trồng rừng với những loại cây như keo, chỉ 4-5 năm cho thu hoạch, đất đồi vừa mới che phủ thì lại khai thác, trở thành đồi trọc. Nhiều người trồng vì lợi nhuận kinh tế nên các quy trình kỹ thuật không được quan tâm thực hiện. Có thể thấy, họ khai thác là phát trắng rừng, kể cả chóp đồi cũng phát sạch. Rừng trồng chỉ một tầng nên dưới thảm không có gì, mưa xuống là nước trôi đi hết.

 

Kinh tế rừng là hướng đi đúng đối với miền núi. Nhưng nếu kinh tế rừng theo kiểu trồng cây để nhanh lấy gỗ, kiếm lợi nhuận mà bỏ qua mối nguy đối với môi trường là không thể chấp nhận.

 

Vận động trồng rừng gỗ lớn

 

Trước thực trạng khai thác rừng trồng diễn ra ồ ạt, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng, trong đó nêu rõ: Việc khai thác trắng rừng trồng sản xuất sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước là do chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình) tự quyết định. Sau khai thác, chủ lâm sản lập bảng kê lâm sản theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Ngoài ra, đối với rừng trồng của tổ chức (công ty, doanh nghiệp), việc khai thác rừng trồng sản xuất phải căn cứ vào dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế và phương án quản lý rừng bền vững để tiến hành khai thác.

 

Để giảm tình trạng khai thác ồ ạt rừng trồng, đảm bảo tỉ lệ che phủ rừng đạt 48% đến năm 2025, Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản tuyên truyền, vận động chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng kinh doanh cây gỗ lớn (chu kỳ trên 10 năm) trên đất rừng sản xuất theo Kế hoạch 71/KH-SNN ngày 7/6/2022 của Sở NN-PTNT về trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng giai đoạn 2022-2025.

 

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, cho biết: “Theo kết quả diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng trên địa bàn Phú Yên năm 2021 do UBND tỉnh phê duyệt, tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp khoảng 275.660ha. Trong đó, đất có rừng khoảng 218.243ha (rừng tự nhiên khoảng 125.505ha, rừng trồng khoảng 92.738ha); đất chưa có rừng khoảng 57.417ha; diện tích rừng trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khoảng 27.325ha. Đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, ngành Lâm nghiệp Phú Yên có sự quản lý dựa trên những quy định cụ thể. Đối với rừng sản xuất (chủ yếu là chủ rừng dùng vốn ngoài ngân sách), ngành Lâm nghiệp có kế hoạch vận động tuyên truyền để họ hiểu được giá trị của việc trồng rừng gỗ lớn, tránh tình trạng khai thác ồ ạt gây ảnh hưởng đến môi trường”.

 

Điều 59 Luật Lâm nghiệp 2017 nêu rõ: Khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng thì chủ rừng quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình. Trong trường hợp rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, chủ rừng phải lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định.

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek