Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Phú Yên có điều kiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng tốt, có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Lấy thế mạnh để xây dựng OCOP
Với tấm vé thông hành là sản phẩm OCOP được xếp hạng sao, hiện trên kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng có thêm nhiều mặt hàng là những sản phẩm OCOP của tỉnh như: rượu tằm Hòa Phong, cà phê Hương Hương, bánh khóm Đồng Din, nước mắm Tân Lập, gạo thơm Hoa Vàng... Các sản phẩm này có chất lượng đạt tiêu chuẩn, mẫu mã bao bì bắt mắt, phong phú về chủng loại, đang dần khẳng định vị thế trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.
Gần 4 năm qua, Chương trình OCOP được triển khai rộng rãi trên toàn tỉnh, qua đó góp phần khơi dậy, đánh thức tiềm năng của hàng trăm đặc sản nông thôn. Các làng nghề, HTX, doanh nghiệp tổ chức liên kết với nông dân để xây dựng những chuỗi sản phẩm hàng hóa chất lượng (từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ) đáp ứng được nhu cầu của thị trường, chứ không còn sản xuất manh mún, không có kế hoạch và thụ động trong tiêu thụ hàng hóa như trước.
“Từ những nông sản đặc trưng của mỗi làng, xã, các chủ thể đã phát huy thế mạnh sẵn có để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 41 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao và 35 sản phẩm đạt 3 sao. Hiện có hàng trăm sản phẩm ở các địa phương gửi hồ sơ về Hội đồng OCOP tỉnh đề nghị thẩm định”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết.
Với sự trợ lực từ Chương trình OCOP, hiện có 3 sản phẩm gạo chất lượng cao ở các địa phương trong tỉnh đã xây dựng thương hiệu và đạt sản phẩm OCOP tỉnh. Theo ông Phạm Đức Hậu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa), sản phẩm gạo chất lượng Hòa Thành đạt chất lượng vượt trội bởi phương thức sản xuất an toàn theo quy trình sản xuất lúa được HTX kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống đến sản xuất. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, HTX đã tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất, cải tiến mẫu mã bao bì nên thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh, thành phía Nam, góp phần tăng doanh thu khoảng 20% so với trước đây.
Mở lối vươn xa
Theo nhận định của các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, Chương trình OCOP thực sự là làn gió mới để các làng nghề, HTX, doanh nghiệp ở các địa phương trong tỉnh khai thác tiềm năng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Các sản phẩm OCOP của tỉnh được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng tiêu thụ. Từ đó hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao, gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, HTX, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hương Hương Phú (TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Tôi tham gia Chương trình OCOP là vì tôi nghĩ sản phẩm đủ tiêu chuẩn vươn ra thị trường; để người dân, khách du lịch đến Phú Yên cảm nhận được sản phẩm cà phê Hương Hương và tin tưởng mua làm quà đi khắp nơi”.
Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho hay: “Huyện phấn đấu trong năm nay sẽ xây dựng được 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Đến thời điểm này, địa phương có 6 sản phẩm, còn lại từ đây đến cuối năm tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn chuyên môn, rà soát đánh giá và sẽ công nhận thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP”.
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. UBND tỉnh đã giao cho sở chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ sẵn có ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. “Để Chương trình OCOP của tỉnh được triển khai đồng bộ ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh), công tác truyền thông về Chương trình OCOP cần thực hiện tốt; bộ máy hoạt động triển khai Chương trình OCOP ở các cấp phải thực sự tâm huyết, không nóng vội chạy đua thành tích, lựa chọn các sản phẩm là đặc trưng, thế mạnh, có tiềm năng của địa phương và hướng dẫn thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về sản phẩm hàng hóa để tham gia chương trình”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Việc triển khai Chương trình OCOP gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị và địa phương cần tập trung rà soát, lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, mang đặc trưng của vùng đăng ký tham gia chương trình; tích cực hỗ trợ các chủ thể nâng cao hơn nữa chất lượng và quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm. Qua đó từng bước khẳng định và tạo chỗ đứng trên thị trường cho các sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ |
NGỌC HÂN