Thứ Bảy, 18/05/2024 12:02 CH
Tìm giải pháp hạn chế người dân bán keo non
Thứ Năm, 13/10/2022 07:30 SA

Người dân khai thác keo non khi được giá sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và môi trường. Ảnh: NHẬT HUY

Keo khai thác sớm hơn so với chu kỳ sinh trưởng không những không mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, giá keo tăng cao và cuộc sống khó khăn khiến nhiều người dân vẫn bán keo non. Làm sao để hạn chế tình trạng này là bài toán mà những người làm công tác lâm nghiệp phải giải.

 

Giá tăng kỷ lục, người dân ồ ạt khai thác

 

Sau nhiều năm rớt giá, những tháng gần đây, giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao. Từ chỗ chỉ ở mức 700.000-900.000 đồng/tấn như những vụ trước đây, hiện keo có giá từ 1,4-1,6 triệu đồng/tấn, có nơi lên đến 1,7 triệu đồng/tấn. Đây được xem là mức giá kỷ lục đối với nghề trồng rừng nguyên liệu của cả nước. Bà Nguyễn Thị Chín (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) nói: “Tôi trồng keo nhiều năm nay, nhưng chưa lúc nào thấy giá keo tăng cao như vậy. Một số hộ xung quanh thấy được giá nên bán keo non (3 năm tuổi) để cải thiện kinh tế”.

 

Theo tính toán của nông dân, bình quân 1ha keo trước đây lợi nhuận 40-50 triệu đồng, còn hiện tại là 80-90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí công, vận chuyển... Giá keo tăng cao dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy tranh mua nguyên liệu để đủ hoạt động. Theo ông Đỗ Tấn Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam, giá nguyên liệu gỗ rừng trồng đang tăng rất cao, nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu thị trường viên nén và dăm đang tăng trưởng rất tốt. Ở Việt Nam, việc xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thuận lợi hơn các nước khác và có lợi thế cạnh tranh. Vậy nên, đơn đặt hàng về viên nén và dăm từ các quốc gia này đang đổ dồn về Việt Nam.

 

Phú Yên có hơn 100.000ha rừng trồng, sản lượng khoảng 250.000 tấn/năm. Hiện nông dân tăng cường khai thác; còn thương lái và doanh nghiệp tại Phú Yên cũng như các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đang tăng cường thu mua để có đủ nguyên liệu hoạt động.

 

Cần giải pháp căn cơ

 

Giá gỗ nguyên liệu tăng cao, dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt thu hoạch keo non để bán. Theo ghi nhận của phóng viên, tại cánh rừng keo ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tuy mới chỉ 3 năm tuổi, nhưng chủ rừng đã khai thác. Những cây keo non có đường kính dưới 6cm, không có cơ hội lớn thêm. Quanh hồ thủy điện Sông Hinh, tình trạng người dân khai thác keo non mới 3-4 năm tuổi cũng diễn ra ồ ạt.

 

Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Đức Bình Đông nói: “Nhiều người có điều kiện kinh tế, họ đợi sau 5 năm mới khai thác keo. Những người khó khăn thấy được giá lúc nào thì bán lúc đó. Đây cũng được xem là món lời với người dân trồng keo”.

 

Hệ lụy của việc khai thác keo non được các chuyên gia ngành Lâm nghiệp chỉ ra, đó là năng suất không cao, ảnh hưởng môi trường, nhất là khi mùa mưa bão đang đến. Mặt khác, cách làm này của nông dân cũng sẽ không mang tính bền vững…

 

Ông Dương Tử Hảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên cho biết: “Bà con bán keo non rất nhiều vì giá tăng cao. Để chấn chỉnh tình trạng này, chúng tôi liên tục vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu là cần phải kéo dài thời gian thêm, bởi cứ kéo dài thêm một năm thì sinh khối tăng lên, giá trị tăng theo. Về mặt kinh tế, chi phí đầu tư ban đầu lớn, nhưng mới năm thứ tư khai thác thì sản lượng rất thấp, chất lượng gỗ không cao, lợi nhuận thấp. Ngoài ra, chúng tôi còn có các biện pháp chế tài là không mua cây keo non. Chúng tôi hy vọng vừa tuyên truyền, vừa dùng biện pháp hành chính như vậy sẽ giảm dần hiện tượng bán keo non”.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những nỗ lực đơn lẻ của một số doanh nghiệp gỗ không thể giải quyết triệt để bài toán người dân khai thác keo non. Bởi khi doanh nghiệp này không mua thì nông dân sẽ bán nơi khác, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ván gỗ đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu để chế biến. Do vậy, về lâu dài cần phải có những giải pháp căn cơ.

 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam Đỗ Tấn Lập, việc khai thác gỗ non ồ ạt làm cho diện tích rừng trồng giảm đi một cách nhanh chóng, làm mất cân bằng hệ sinh thái, gây nguy cơ thiếu trầm trọng nguyên liệu cây gỗ lớn dùng cho chế biến nội thất hay các ngành chế biến khác. Do đó, ngành gỗ cần tiến hành các giải pháp như: tổ chức họp ngành dăm thường xuyên để ra thông báo về việc các doanh nghiệp không mua keo non và ngưng ngay việc tranh giành mua bán, đồng thời trình công văn lên Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT thực hiện một số biện pháp hành chính như xây dựng hạn ngạch về xuất khẩu dăm hàng năm hoặc xác nhận nguồn gốc lâm sản phải dựa trên khai thác theo quy hoạch, áp thuế xuất khẩu dăm…

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek