Thứ Năm, 03/10/2024 22:28 CH
Các cụm công nghiệp:
Cần cơ chế riêng để thu hút đầu tư
Thứ Hai, 08/09/2008 07:00 SA

Các cụm công nghiệp được xây dựng để phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, các cụm công nghiệp trên địa bàn Phú Yên đang gặp khó khăn trong thu hút đầu tư.

 

ccn-tam-giang-1-080908.jpg

Cụm công nghiệp Tam Giang (huyện Tuy An) - Ảnh: BÍCH HÀ

 

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Phú Yên sẽ có 24 cụm, điểm công nghiệp với tổng diện tích trên 154ha ở 9 huyện, thành phố. Mỗi huyện sẽ có từ  2 - 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích từ 13 - 25ha, đất dự phòng để mở rộng là 300ha.

Ông Mai Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên cho biết: Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Phú Yên đến năm 2010, thì mỗi huyện, thành phố có một cụm công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng. Và trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2010, đã có 8 cụm công nghiệp được UBND tỉnh cho phép đầu tư cơ sở hạ tầng gồm: Hòa An (Phú Hòa), Tam Giang (Tuy An), thị trấn Sông Cầu (Sông Cầu), thị trấn La Hai (Đồng Xuân), thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh), Ba Bản (Sơn Hòa), Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) và cụm công nghiệp tại TP Tuy Hòa. Mỗi cụm công nghiệp rộng từ 5-7ha, được quy hoạch chủ yếu ở địa bàn nông thôn nhằm phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn nên quy hoạch trên diện tích đất nông nghiệp là chính.

 

Cũng theo ông Thái, trong tình hình lạm phát như hiện nay, tỉnh đang thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát nên chủ trương cắt giảm đầu tư ở một số cụm công nghiệp, như cụm công nghiệp Hòa Mỹ Đông hoãn khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, tỉnh có chủ trương giao KCN An Phú về TP Tuy Hòa nên không tiến hành xây dựng điểm công nghiệp của thành phố. Riêng cụm công nghiệp thị trấn La Hai sẽ dành cho Nhà máy Đường Đồng Xuân mở rộng khi nhà máy này nâng công suất lên 2.000 tấn mía/ngày.

 

Trong số các cụm công nghiệp đã được tỉnh cho phép triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, có 2 cụm công nghiệp đã đầu tư cơ sở hạ tầng là Hòa An và Tam Giang. Riêng cụm công nghiệp Hòa An (quy mô 6,8ha) đã cơ bản đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, có 12 DA đầu tư, thu hút khoảng 350 lao động của huyện Phú Hòa, trong đó giải quyết việc làm cho khoảng 152 lao động của xã Hòa An (xã có diện tích đất bị thu hồi để xây dựng cụm công nghiệp). Cụm công nghiệp Hòa An thu hút đầu tư khá nhanh và sớm lấp đầy diện tích vì nằm ở vùng ven TP Tuy Hòa, có nhiều điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, có những DA đầu tư vào đây do không đủ vốn hoặc chỉ để “chiếm đất” nên tiến độ đầu tư xây dựng chậm so với kế hoạch ban đầu. Nhiều nhà xưởng xây dựng dang dở và dùng làm kho chứa hàng như của DNTN Minh Liên, Công ty TNHH Tiến Hưng hay Công ty TNHH Toàn Cầu.

 

Còn cụm công nghiệp Tam Giang (rộng 6,4ha) đã có điện, nước và đường giao thông nội bộ, nhưng chỉ mới có 2 DA đầu tư. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: Thời gian qua, huyện dành 4ha đất và khuyến khích các cơ sở sản xuất nhỏ của huyện vào đầu tư nhưng họ vẫn không mặn mà.

 

Hai cụm công nghiệp ở miền núi là Hai Riêng và Ba Bản tuy đã triển khai đầu tư, nhưng do kinh phí ngân sách cấp thấp, chỉ 3 tỉ đồng/cụm, địa phương không huy động được vốn đầu tư kết cấu hạ tầng nên đa số các cụm công nghiệp lựa chọn hình thức đầu tư cuốn chiếu theo yêu cầu và tiến độ thực hiện DA của nhà đầu tư. Mặt khác, do địa thế không thuận lợi, thiếu nhân lực nên không hấp dẫn các nhà đầu tư. Cụm công nghiệp Ba Bản thu hút được 3 DA đầu tư, còn cụm công nghiệp Hai Riêng thì không thu hút được DA nào.

 

Theo ông Mai Thành Thái, có nhiều nguyên nhân làm cho tình hình thu hút đầu tư ở các cụm công nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn, trong đó có nguyên nhân Nhà nước chưa quy định chung về chính sách đầu tư và cơ chế quản lý cụm công nghiệp để các địa phương thống nhất thực hiện. Chính phủ cần có cơ chế riêng trong việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho cụm công nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Việc kêu gọi đầu tư hiện nay phải có sự lựa chọn. Theo chủ trương của tỉnh, vùng đồng bằng cần chọn lọc và khuyến khích những DA có vốn lớn, công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, do đó có phần hạn chế số lượng DA xin đầu tư. Việc thực hiện cơ chế “một cửa” chỉ mới áp dụng chủ yếu trong khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, còn các khâu khác như thẩm định, giao đất, giải phóng mặt bằng vẫn còn phiền hà. Mặt khác, cơ sở hạ tầng, nhân lực ở các cụm công nghiệp còn thiếu và yếu cũng khiến nhà đầu tư e ngại.

 

KHU CÔNG NGHIỆP VẪN KHÓ THU HÚT ĐẦU TƯ

 

Tình hình thu hút đầu tư ở các KCN Phú Yên trong hai năm gần đây đã chững lại. Số DA đăng ký mới ít; nhiều nhà đầu tư triển khai DA chưa đúng cam kết ban đầu, tiến độ thực hiện DA chậm. Tại các KCN, tình trạng đăng ký rồi để đó gây lãng phí đất diễn ra khá phổ biến. Từ đầu năm đến nay, đã có 191.136m2   đất của 12 DA bị thông báo thu hồi. 

 

Đến nay, KCN Hòa Hiệp giai đoạn 1 và 2, KCN An Phú và Đông Bắc Sông Cầu giai đoạn 1 (tổng diện tích trên 502ha) đã thu hút 68 DA đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 1.667 tỉ đồng và 25,07 triệu USD. Hiện có 46 DA đi vào hoạt động và 9 DA triển khai xây dựng, tổng vốn thực hiện đầu tư  579,31 tỉ đồng và 8,98 triệu USD.

 

QUỐC HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek