Dự án Hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) hoạt động từ tháng 2/2022 đến nay được đánh giá khả quan, môi trường nước tại khu vực xử lý có chuyển biến tích cực. Địa phương mong muốn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ triển khai giai đoạn 2 để đánh giá đầy đủ hiệu quả của dự án.
Thực trạng môi trường vùng nuôi
Trên địa bàn TX Sông Cầu, các khu vực đầm, vịnh, vùng biển ven bờ rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là nuôi tôm hùm. Trong những năm qua, nghề nuôi tôm hùm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đóng góp rất lớn vào kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho phần lớn người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm hiện nay cũng còn nhiều thách thức như việc quản lý nguồn giống, thức ăn, vùng nuôi, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng…
Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 87.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó TX Sông Cầu hơn 62.690 lồng. Thức ăn chủ yếu cho tôm hùm là cá tạp và các loại giáp xác, nhuyễn thể… chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Phần lớn chất thải phát sinh tại các vùng NTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được thu gom, xử lý như thức ăn thừa, chất thải từ hoạt động NTTS, khu dân cư ven vùng nuôi… Hiện nay, toàn tỉnh mới triển khai mô hình thí điểm thu gom chất thải NTTS tại xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, hiệu quả xử lý chưa cao.
Cần tiếp tục triển khai, mở rộng
Năm 2019, JICA chính thức chấp thuận dự án Hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường vịnh Xuân Đài. Theo đó, JICA đã chọn Công ty TNHH Daiei Factory và Công ty TNHH Nippon Koei (Nhật Bản) để triển khai với thời gian dự kiến pha 1 (pha thử nghiệm) diễn ra trong năm 2020. Tuy nhiên vào thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động của dự án phải hoãn lại và tái khởi động từ tháng 2/2022 đến nay, dự kiến pha 1 kết thúc vào tháng 11/2022.
Ông Michio Morita, Chủ tịch Công ty TNHH Daiei Factory cho biết: Công nghệ hòa tan khí ôxy xử lý môi trường NTTS do công ty triển khai tại vịnh Xuân Đài là công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại. Công nghệ này sẽ bơm trực tiếp nước từ vịnh Xuân Đài (khu vực xử lý) vào hệ thống máy xử lý và chảy trực tiếp qua ôxy thể khí, được khuấy đều để ôxy hòa tan trực tiếp, cho ra nước có chứa nồng độ ôxy cao. Công nghệ này chủ yếu cung cấp ôxy cho nước và xử lý làm sạch đáy bùn ở những vùng NTTS bị ô nhiễm. Dự án Hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường vịnh Xuân Đài bằng công nghệ máy hòa tan khí ôxy đến nay đạt được kết quả bước đầu rất khả quan.
Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, kết quả quan trắc cho thấy, môi trường tại khu vực lắp đặt máy có chuyển biến tích cực, nồng độ ôxy hòa tan trong nước tăng, mùi hôi của nước giảm. “Công nghệ, thiết bị máy hòa tan khí ôxy của Nhật Bản là thiết bị hiện đại, có thể sử dụng xử lý môi trường nước cho NTTS, nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài nói riêng và các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh nói chung. Tuy nhiên, dự án Hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường vịnh Xuân Đài hiện nay (pha 1 - pha thử nghiệm) phạm vi còn nhỏ, thời gian vận hành ngắn. Địa phương mong muốn phía đối tác Nhật Bản tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ cho TX Sông Cầu nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung triển khai xử lý môi trường tại các vùng NTTS có quy mô lớn hơn”, ông Dũng nói.
Phía đối tác Nhật Bản đã đề nghị, nếu Phú Yên tiếp tục có nhu cầu thì lập hồ sơ để JICA hỗ trợ triển khai pha 2. Pha 2 sẽ lắp đặt 5 hệ thống máy ôxy hòa tan tại 5 điểm quanh vịnh Xuân Đài với công suất mỗi máy gấp 3 lần máy hiện đang lắp đặt trong pha 1. Thời gian hoạt động của pha 2 là 2 năm, sau khi kết thúc thì toàn bộ thiết bị này sẽ bàn giao lại cho tỉnh.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Thái Hòa |
ANH NGỌC