Thứ Hai, 25/11/2024 08:44 SA
Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam: Đồng hành cùng nông dân trong sản xuất mía
Thứ Bảy, 17/09/2022 11:00 SA

Người dân xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) thu hoạch mía. Ảnh: KHANG ANH

Bên cạnh việc đầu tư công nghệ, khuyến khích nông dân sử dụng máy móc, thiết bị để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP) cũng quan tâm, hướng dẫn và cần sự giám sát của người dân trong quá trình sử dụng, nhằm đảm bảo chất lượng mía và sản phẩm đường thương phẩm.

 

Khuyến khích sử dụng máy móc trong thu hoạch mía

 

Những năm qua, tình hình thu mua mía, sản xuất đường của KCP diễn ra khá thuận lợi, sản lượng ổn định. Đa số nông dân huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân… thực hiện theo đúng cam kết, hợp đồng đã ký với công ty về trồng, thu hoạch, cung cấp mía có chất lượng. Theo nhiều người dân, lâu nay bà con nông dân tự thu hoạch mía theo hình thức thủ công, sau đó thuê xe chở đến giao cho các nhà máy, nhưng hai năm gần đây, do tìm công lao động tại chỗ khó khăn nên nhiều hộ dân trên địa bàn đã thuê máy gắp mía, hỗ trợ bốc mía lên xe. Việc sử dụng máy gắp mía đã giúp các hộ trồng mía hạn chế công lao động, ít tốn thời gian hơn.

 

Ông Huỳnh Khắc Vũ có nhiều năm trồng mía ở huyện Phú Hòa cho biết: Những năm trước, mỗi vụ thu hoạch, các hộ trồng mía đều thuê công lao động tại địa phương, còn năm nay đa số lao động địa phương đi làm ăn xa. Chính vì vậy, phong trào cơ giới hóa, sử dụng máy móc hỗ trợ bắt đầu rộ, trong đó có việc sử dụng máy gắp mía vào vụ thu hoạch. “Sử dụng máy gắp mía có thể rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm công lao động. Mía được đưa đến nhà máy cũng không bị khô, chất lượng đảm bảo”, ông Vũ phân tích.

 

Còn theo nhiều người dân ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), chi phí sử dụng máy gắp mía và công lao động là tương đương nhau, do đó, sử dụng loại máy này để thay thế công lao động, nhất là trong thời điểm công lao động khan hiếm là giải pháp tốt nhất hiện nay.

 

Vụ ép 2021-2022, KCP hợp đồng đầu tư, thu mua mía với 9.600 hộ dân trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, ngành Công Thương…, công ty luôn khuyến khích người dân tăng cường cơ giới hóa, sử dụng máy móc, thiết bị hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, KCP cũng tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, hướng dẫn bà con cách thu hoạch mía, phân loại tạp chất… Công ty cũng liên tục đầu tư công nghệ mới, bổ sung máy móc, thiết bị phục vụ quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm đường có chất lượng cao.

 

Cần sự giám sát của nông dân

 

Liên quan đến việc nông dân sử dụng máy gắp mía, đại diện KCP cho biết, theo hợp đồng thu mua mía hàng năm, nông dân nhập mía vào nhà máy phải cam kết thực hiện những yêu cầu như đã thỏa thuận, trong đó mía nhập vào phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, được làm sạch, không chứa tạp chất hay bất kỳ vật thể gì, trong quá trình nhập mía tránh gây thiệt hại máy móc của công ty… Hai niên vụ 2020-2021 và 2021-2022, nhiều hộ dân đầu tư hoặc thuê máy gắp mía hỗ trợ bốc mía lên xe, sau đó chuyển đến nhà máy. Trong vụ thu hoạch mới đây, do thiếu sự giám sát của người dân nên mía của 25 hộ trồng ở huyện Sơn Hòa, Phú Hòa nhập về công ty có xen lẫn nhiều tạp chất. Cùng với những tạp chất nhỏ thì có những tảng đá trọng lượng 70-80kg. Việc loại bỏ tạp chất đã khiến công ty thiệt hại hơn 1,8 tỉ đồng. Công ty đã ghi lại hình ảnh, thông báo cho các hộ dân về tình trạng mía lẫn tạp chất và lần lượt làm việc với nông dân về vấn đề nêu trên.

 

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc KCP cho biết: Nếu là tạp chất nhỏ thì có thể xử lý được nhưng lần này là tạp chất lớn, làm hư máy móc, thiết bị nghiền, ép mía. Vấn đề đặt ra là nếu máy móc, thiết bị bị hư không bán tại Việt Nam thì công ty phải nhập từ nước ngoài về, trong khi thời gian, thủ tục nhập khẩu không đơn giản nên các nhà máy có thể ngừng sản xuất trong thời gian dài. Hiện nay, các nhà máy sản xuất của KCP có thể thực hiện với công suất 10.000 tấn mía cây/ngày, nhưng nếu máy móc sửa chữa lâu sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho công ty.

 

Tại buổi làm việc với tổ công tác của KCP mới đây, ông Nguyễn Văn Trung (thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) cho biết: Việc xảy ra những tảng đá lớn, cát… xen lẫn với mía nhập về nhà máy là điều nông dân không mong muốn. Nhưng do có nhiều hộ thu hoạch mía cùng lúc, số lượng người tập trung đông, cũng gấp gáp, tranh thủ thời gian nên không giám sát chặt chẽ. Bản thân các hộ dân cũng rút kinh nghiệm, để đưa mía có chất lượng về cho nhà máy.

 

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) cho biết: Thực tế, do thiếu công lao động nên người trồng mía sử dụng máy móc hỗ trợ sản xuất. Về lâu dài, việc sử dụng máy móc, thiết bị cũng góp phần tăng năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mong muốn của địa phương là trước khi đến vụ thu hoạch mía, KCP phối hợp với các địa phương, ngành chức năng… tổ chức làm việc với nông dân, triển khai các vấn đề liên quan đến chính sách giá, tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng phương tiện gắp, chở mía… để bảo vệ lợi ích đôi bên. 

 

KCP không áp trừ thiệt hại cho người dân. Song công ty cũng sẽ tính toán đến các phương án có nên cho người dân sử dụng máy gắp mía hay không và nếu có thì sẽ hướng dẫn người dân cách sử dụng, quản lý máy. Quan điểm của công ty là không muốn nông dân chịu thiệt hại nhưng nông dân phải chia sẻ với công ty, nâng cao ý thức trách nhiệm, có cam kết sử dụng máy nhưng đảm bảo không gây thiệt hại cho công ty trong những vụ ép tiếp theo.

 

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng giám đốc KCP

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek