Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được xem là giải pháp căn cơ, mang lại hiệu quả tối ưu cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), thúc đẩy phát triển kinh tế của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh.
Chú trọng xúc tiến thương mại
XTTM là một trong những phần việc được ngành Công Thương chú trọng và triển khai nhiều hoạt động liên quan để giúp các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi số thì yêu cầu của công tác XTTM cần được phát huy và đổi mới. Theo Sở Công Thương, những năm qua, đơn vị đã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở, HTX tiếp cận công nghệ thông tin qua hình thức ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh.
Hàng năm, Sở Công Thương đều ban hành các kế hoạch, tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu và bán hàng trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử đa kênh thông qua xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, website, fanpage, landing page, hay tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử... Sở cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn cập nhật thông tin về sản phẩm, hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ phuyentrade.gov.vn. Đến nay, sàn giao dịch này có khoảng 100 doanh nghiệp với 300 sản phẩm tham gia giới thiệu, bán hàng. Hệ thống này cũng đang được đơn vị cập nhật thông tin, bổ sung hình ảnh, quản trị giao dịch thường xuyên.
Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các điểm bán hàng trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đơn vị đã xây dựng 131 điểm đăng ký bán hàng trực tuyến hoặc bằng điện thoại cho cả khu vực chín huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ Bưu điện tỉnh bán hàng trực tuyến qua hệ thống bưu chính để bổ sung nguồn hàng hóa thiết yếu.
“Đối với hoạt động XTTM, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hội chợ quy mô cấp tỉnh, huyện; tăng cường giao lưu, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các phiên đưa hàng Việt về nông thôn cũng được duy trì hàng năm. Ngành cũng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung - cầu, tham gia các đoàn XTTM, hội chợ triển lãm trong nước, quốc tế. Gần đây nhất, sở đã biên tập, xuất bản ấn phẩm song ngữ “Sản phẩm đặc trưng tỉnh Phú Yên” để cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Các hoạt động về đào tạo, xây dựng thương hiệu, bán hàng trên các website, sàn thương mại điện tử, tư vấn pháp lý; hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh... cũng được triển khai rộng rãi, thường xuyên”, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Là đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, Bưu điện tỉnh đã quán triệt trong toàn đơn vị đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến trong giới thiệu, cung cấp các dịch vụ của ngành. Đơn vị cũng đại diện cho Chi nhánh Sàn thương mại điện tử portmart.vn hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nông sản của tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh chia sẻ: Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các sở, ngành tổ chức một số hội nghị giới thiệu, tuyên truyền, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số. Chúng tôi đã hướng dẫn cho gần 350 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cách đăng tải, cập nhật thông tin, sản phẩm, giúp người dân tại các vùng nông thôn tiếp cận với kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, Sàn thương mại điện tử postmart.vn của bưu điện cũng dần phát huy hiệu quả. Đến nay, postmart.vn đã giới thiệu được 269 sản phẩm của tỉnh với gần 7.000 giao dịch đã thực hiện; trong đó, tám tháng đầu năm 2022 là 6.600 giao dịch. Nhờ triển khai các ứng dụng công nghệ số, doanh số bán hàng, cung cấp dịch vụ của toàn đơn vị trong tám tháng đầu năm chuyển biến tăng, với mức tăng trưởng khoảng hơn 20% so với cùng kỳ.
Đối với hệ thống bưu chính Viettel, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng được triển khai hiệu quả. Chi nhánh Bưu chính Viettel Phú Yên đã hỗ trợ người dân đưa sản phẩm quảng bá trên trang bán hàng trực tuyến Vỏ Sò. Nhiều sản phẩm của tỉnh đã được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến qua hệ thống này, trong đó có nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm đặc trưng như tôm hùm, cá ngừ... Đa số cơ sở đã đăng tải thông tin sản phẩm trên hệ thống này đều có phát sinh giao dịch bán hàng, tiếp cận được với khách hàng mới, đối tác làm ăn lâu dài và mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Nếu ứng dụng tốt công nghệ thông tin, người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể giảm thời gian, chi phí nhưng tăng hiệu quả kinh doanh. Viettel đang đầu tư, nâng cấp, làm mới trang bán hàng này, giúp các cơ sở giao dịch dễ dàng hơn. Chúng tôi tiếp tục hướng dẫn người dân tương tác, ứng dụng công nghệ qua thiết bị điện thoại thông minh, hỗ trợ quảng bá thêm nhiều sản phẩm, kết nối đối tác làm ăn bằng công nghệ số”, ông Huỳnh Văn Trọng, Phó Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Phú Yên cho hay.
Nhân viên quản lý các website bán hàng của doanh nghiệp tham gia buổi hướng dẫn kỹ năng quản trị giao dịch do Sở Công Thương tổ chức. Ảnh: VÕ PHÊ |
Hướng đến hệ sinh thái xúc tiến thương mại số
Theo Sở Công Thương, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động XTTM tiếp tục được triển khai đồng bộ, tạo sự đổi mới và hướng đến hệ sinh thái XTTM số, góp phần tái cơ cấu ngành. Đây cũng chính là mục tiêu của ngành, của tỉnh trong những năm tới. Theo kế hoạch của tỉnh, đến năm 2025, Phú Yên sẽ tổ chức triển khai hệ sinh thái XTTM số, kết nối các nền tảng số phục vụ XTTM cho các doanh nghiệp của tỉnh.
Theo đó, 100% tổ chức XTTM và trên 600 doanh nghiệp trên địa bàn được cấp tài khoản trên hệ sinh thái XTTM số; được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh được kết nối với cơ sở dữ liệu của các thị trường xuất khẩu trọng điểm; các hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số. Tất cả thủ tục hành chính về XTTM đủ điều kiện sẽ được triển khai trên cổng dịch vụ công tỉnh và tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia, với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số…
Bà Nguyễn Thị Kim Bích cho biết thêm, thực hiện mục tiêu xây dựng hệ sinh thái XTTM số, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương phối hợp Cục XTTM (Bộ Công Thương), các ngành chức năng của tỉnh triển khai thực hiện các nội dung khi có hướng dẫn của bộ. Trong năm nay, đơn vị tổ chức đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM trên địa bàn; hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ XTTM, kết nối với hệ sinh thái XTTM số cũng được triển khai. Sở cũng nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thực hiện XTTM; nâng cao nhận thức, tuyên truyền phổ biến ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử phục vụ XTTM cho các doanh nghiệp của tỉnh.
Theo UBND tỉnh, giai đoạn 2022-2025, khi hệ sinh thái XTTM số của tỉnh được xây dựng hoàn chỉnh thì việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM; phát triển các nền tảng, ứng dụng công nghệ thông tin… là hết sức quan trọng và cần được chú trọng triển khai. Cùng với đó, sự phối hợp, chủ động của doanh nghiệp, cơ sở, các đơn vị chức năng là yếu tố cần thiết để hệ sinh thái này được triển khai đồng bộ, hiệu quả. |
VÕ PHÊ