Giá cả bấp bênh, dịch bệnh bùng phát đã khiến nhiều nông dân trắng tay và rời xa cây tiêu. Thế nhưng với sự quyết tâm, tinh thần lao động sáng tạo, ông Lê Văn Quang ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) vẫn kiên trì phát triển vườn tiêu của mình.
Rút kinh nghiệm từ những vườn tiêu đã chết vì bệnh, ông Lê Văn Quang chuẩn bị tốt ngay từ lúc kiến thiết cơ bản, giữ khoảng cách cây không quá gần, đào kênh mương rút nước. Vì vậy, cả vườn tiêu rộng khoảng 2ha gần như không có gốc nào bị chết vì bệnh kể từ khi xuống giống.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm công chăm sóc và giảm chi phí, ông Quang đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Nhờ hệ thống tưới này và tăng cường phân hữu cơ ủ hoai mục, cây tiêu xanh tươi bốn mùa, hạn chế tối đa việc sử dụng phân vô cơ.
Ông Lê Văn Quang chia sẻ: Theo kinh nghiệm tôi tích lũy từ trồng các loại cây cũng như khảo sát từ nhiều vườn tiêu khác, nếu thường xuyên cho phân hóa học thì cây tiêu sẽ phụ thuộc vào phân, khi thiếu phân khoảng 6 tháng thì tiêu sẽ tàn úa. Với cách chăm sóc của gia đình, mỗi năm chúng tôi chỉ bón phân hữu cơ một lần nhưng vườn tiêu vẫn xanh tốt. Nhờ vậy mà khoảng 2.000 gốc tiêu cho năng suất ổn định, trung bình 3,4kg mỗi trụ, sản lượng thu về khoảng 7 tấn hạt tiêu khô mỗi năm.
Mỗi vụ thu hoạch, ông Quang chi trả trên dưới 85 triệu đồng cho nhân công thu hái. Với giá bán hiện nay khoảng 70.000-80.000 đồng/kg hạt tiêu khô, trừ các khoản chi phí, vườn tiêu của ông Quang cho lãi ròng khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Năm tới, ông Quang dự định chuyển đổi thêm 1ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây tiêu.
Ông Võ Văn Sơn, một hộ dân có vườn tiêu liền kề vườn tiêu ông Quang cho hay: Trước đây, gia đình tôi trồng mỗi trụ tiêu cao khoảng 6m, tiêu tập trung phát triển ở phía trên. Sau khi học hỏi từ anh Quang đốn cây ngắn lại, mỗi trụ tiêu chỉ để phát triển từ 2,5-3,5m, lúc này cây tiêu phát triển từ gốc lên, tiêu cho trái rất nhiều, năng suất cao. Vườn tiêu gia đình tôi gần 1ha, trồng 1.000 trụ, thu hoạch khoảng 3 tấn hạt tiêu khô mỗi năm. Không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai đến tham quan, học hỏi thì anh Quang đều chia sẻ những kinh nghiệm trồng tiêu cho năng suất cao, cách chăm sóc và phòng ngừa để cây tiêu không bị bệnh.
Theo Hội Nông dân thị trấn Hai Riêng, những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được đông đảo hội viên nông dân trên địa bàn hưởng ứng, trong đó tiêu biểu có hội viên Lê Văn Quang. Dù gặp nhiều khó khăn lúc khởi điểm trồng tiêu, nhưng với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Quang đã gặt hái thành công từ vườn tiêu của mình…
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hai Riêng cho biết: Hội viên Lê Văn Quang luôn tích cực với các phong trào do Hội Nông dân phát động, nhất là việc thi đua phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế gia đình, ông Quang còn vận động nhiều hộ nông dân xung quanh cùng thi đua sản xuất, duy trì chăm sóc, trồng và mở rộng cây tiêu để đem lại thu nhập cao. Hội Nông dân thị trấn sẽ nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là mô hình trồng tiêu của ông Lê Văn Quang để nhiều nông dân trên địa bàn học tập và làm theo.
Hiện nay bệnh chết nhanh, chết chậm hại cây tiêu chưa có giải pháp điều trị hiệu quả, khi xuất hiện thì lây lan rất nhanh. Với sự kiên trì trong việc phòng bệnh và sự sáng tạo trong chăm sóc để tiêu đạt năng suất cao, gia đình ông Lê Văn Quang trở nên khấm khá nhờ cây tiêu, là điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hai Riêng Nguyễn Văn Hải |
VĂN THÙY