Chủ Nhật, 24/11/2024 15:01 CH
Ngóng điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân
Thứ Sáu, 26/08/2022 08:00 SA

Giá hàng hóa, dịch vụ liên tục tăng khiến các mức giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế TNCN hiện hành không còn phù hợp với thực tế. Ảnh: VIỆT AN

Biểu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lũy tiến hiện nay có quá nhiều bậc, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc quá thấp trong bối cảnh chi phí sinh hoạt, học phí ngày càng tăng… Đó là những điểm cần xem xét sửa đổi trong Luật Thuế TNCN để giảm bớt gánh nặng cho người lao động.

 

Mức giảm trừ gia cảnh không đủ bù chi phí

 

Chị Trần Thị Hồng Hoa ở phường 9, TP Tuy Hòa có con đang học năm thứ hai ngành Luật hệ chất lượng cao của Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Năm ngoái, học phí ngành này là 45 triệu đồng/năm học, nay tăng lên 62,5 triệu đồng/năm học. Tính ra mỗi tháng, chị Hoa tốn 4,5-6,25 triệu đồng để đóng học phí cho con. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành chỉ 4,4 triệu đồng/người, không bằng mức đóng học phí.

 

Theo chị Hồng Hoa, vợ chồng chị mỗi người giảm trừ gia cảnh cho một con. Sau khi giảm trừ gia cảnh, chị và chồng vẫn phải đóng thuế TNCN ở bậc 1 là 5%. “Điều bất hợp lý là mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc quá thấp so với chi phí thực tế. Cụ thể như con tôi đang học đại học, riêng học phí hàng tháng đã cao hơn mức giảm trừ gia cảnh, chưa kể các khoản chi phí khác như ăn uống, phòng trọ, tiền học ngoại ngữ mà tôi phải gửi cho con. Còn đối với đứa con nhỏ đang học phổ thông, mỗi tháng tiền ăn, tiền học thêm, rồi chi phí thuốc thang phát sinh mỗi khi đau bệnh cũng đã hơn 4,4 triệu đồng/tháng”, chị Hoa cho biết.

 

Luật Thuế TNCN được ban hành năm 2007, có hiệu lực từ năm 2009. Lần sửa đổi luật này gần đây nhất cách đây đã 10 năm. Trong khoảng thời gian này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng từ tháng 7/2020. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá hàng hóa, dịch vụ liên tục tăng cao khiến các mức giảm trừ gia cảnh này không còn phù hợp với thực tế.

 

Chị Nguyễn Phương Lan ở phường 6, TP Tuy Hòa cho hay trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, các chi phí cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe gia tăng. Đến khi dịch bệnh được kiểm soát thì giá xăng, giá thực phẩm và nhiều dịch vụ khác cũng tăng đến chóng mặt. Chi phí nhiều nhưng mức giảm trừ gia cảnh không thay đổi nên với mức thu nhập 16 triệu đồng/tháng, dù đã giảm trừ cho một người phụ thuộc là con nhỏ, chị Lan vẫn phải đóng thuế TNCN. Theo chị Lan, chồng chị làm công chức, lương chỉ đủ trả tiền vay ngân hàng để mua nhà; mọi chi phí còn lại như ăn uống, hiếu hỉ, dịch vụ sinh hoạt, tiền học cho con…, chị đều phải gánh. Tính ra sẽ không còn khoản tích lũy để phòng những trường hợp rủi ro trong cuộc sống.

 

Sửa đổi cho phù hợp với thực tế

 

Theo quy định của Luật Thuế TNCN, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Tuy nhiên, trả lời trên báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, quy định này gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Bởi theo thống kê, trong 5-7 năm gần đây, lạm phát ở nước ta khoảng 3-4%/năm. Nếu để cộng dồn CPI tăng 20% thì phải mất tầm 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hàng năm đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế.

 

Không chỉ có ý kiến về mức giảm trừ gia cảnh quá thấp, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng biểu thuế TNCN lũy tiến như hiện nay có quá nhiều bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao, tạo áp lực lớn đối với người nộp thuế. Cụ thể, biểu thuế TNCN hiện nay của người làm công ăn lương có 7 bậc, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10 đến 18 triệu đồng mức 15%; từ trên 18 đến 32 triệu đồng mức 20%; từ trên 32 đến 52 triệu đồng mức 25%; trên 52 đến 80 triệu đồng mức 30%; trên 80 triệu đồng mức 35%. Vì vậy, chuyên gia kiến nghị cần nghiên cứu giảm xuống còn 3-5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống.

 

Ngoài ra, Luật Thuế TNCN hiện hành cũng chưa cho phép người lao động được khấu trừ các loại chi phí như y tế, chăm sóc sức khỏe… mà bảo hiểm y tế không chi trả. Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất Luật Thuế TNCN sửa đổi cần bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ như: chi phí tiền học cho con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, tiền chữa bệnh hiểm nghèo mà bảo hiểm không chi trả, tiền điện, tiền nước… phải được khấu trừ khi tính thuế TNCN. 

 

Chúng tôi chỉ mong Nhà nước tính đúng, tính đủ chi phí thực tế để đảm bảo đời sống cho người dân rồi mới tính đến việc thu thuế. Như vậy, chúng tôi mới có điều kiện nuôi con, tái tạo sức lao động và đóng góp cho xã hội.

 

Chị Trần Thị Hồng Hoa ở phường 9, TP Tuy Hòa

 

VIỆT AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek