Khi giá xăng dầu tăng thì chi phí hàng hóa, dịch vụ cũng tăng theo. Tuy nhiên, hơn một tháng qua, trong khi giá xăng dầu đã bốn lần được điều chỉnh giảm thì giá hàng hóa, dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá hàng hóa, dịch vụ vẫn còn cao
Trên cơ sở giá xăng dầu thế giới giảm và sự điều tiết của Chính phủ, các bộ, ngành thì giá xăng dầu trong nước cũng liên tục được điều chỉnh giảm. Đặc biệt trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất (1/8), sau khi trích lập quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON92 giảm 444 đồng/lít, về mức 24.629 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 462 đồng/lít, có giá bán 25.608 đồng/lít; dầu diesel 0,05S giảm 950 đồng/lít, về giá 23.908 đồng/lít; dầu hỏa giảm 713 đồng/lít, giá trần là 24.533 đồng/lít. Việc điều chỉnh giảm giá mặt hàng này được cho là đã phần nào chia sẻ khó khăn với người dân.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng không hài lòng vì giá xăng dầu giảm nhưng chưa thấy giá hàng hóa, dịch vụ giảm. Bà Cao Thị Tuyết Vương (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) bày tỏ: Trong lúc người dân chịu gánh nặng khi giá xăng dầu tăng thì giá hàng hóa, dịch vụ cũng tăng chóng mặt. Thế nhưng, giá xăng dầu đã giảm mấy tuần rồi nhưng tôi chưa thấy các mặt hàng khác giảm giá. Tôi nhận thấy, giá hàng hóa đã tăng là rất khó giảm, hoặc có giảm cũng không đáng kể. Tôi cũng không rõ, việc giá các mặt hàng chưa chịu giảm là do nhà sản xuất, cung cấp giữ giá hay do người kinh doanh, bán lẻ cố tình không giảm để tăng lợi nhuận? Còn theo bà Nguyễn Thị Hoài (phường 6, TP Tuy Hòa), người dân có thể chấp nhận giá hàng hóa tăng theo giá xăng dầu, nhưng khi xăng dầu giảm giá thì nhà cung cấp, cơ sở kinh doanh, phân phối... cần hạ giá hàng hóa cho tương xứng để chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng. Tôi nghĩ, các ngành chức năng cần có biện pháp can thiệp để tạo sự hài hòa giữa quyền lợi người bán và người mua.
Thực tế tại các chợ, điểm bán, hiện giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến, đồ dùng... còn ở mức cao; giá dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí vẫn giữ nguyên giá trước đó trong khi giá xăng dầu đã giảm. Ông Võ Đức Thuận, chủ một quán ăn trên đường Bạch Đằng (TP Tuy Hòa) bộc bạch: Giá dịch vụ, thực phẩm chế biến phụ thuộc nhiều vào giá thực phẩm tươi, nguyên liệu mua vào. Hiện giá nguyên liệu mua vào chưa giảm nên quán chưa thể điều chỉnh giá.
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 7/2022, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ổn định và phát triển; các hoạt động kinh tế đều tăng; một số hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Các đơn vị kinh doanh thương mại, dịch vụ, các chợ trên địa bàn đẩy mạnh kinh doanh, đáp ứng nhu cầu người dân trong, ngoài tỉnh. Giá xăng dầu tăng cao đã tác động đến nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ; tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm nhưng nhiều giá hàng hóa, dịch vụ không giảm.
Bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường
Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: Trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, các tổ chức, cá nhân nên lấy người tiêu dùng làm động lực cho sự phát triển; giá cả, chất lượng hàng hóa, hình thức phục vụ phải hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Chính vì thế, trong thời điểm giá xăng dầu đã giảm thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần tính đến phương án phù hợp nhất, kết hợp cắt giảm chi phí, tuân thủ quy luật thị trường, kịp thời điều chỉnh giá bán tương xứng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù giá xăng dầu đã bước đầu giảm nhưng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân. Đây là một trong những nội dung vừa được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu trong công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, thủ trưởng cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tăng cường giám sát, quản lý theo địa bàn; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá và phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính. Thủ trưởng cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cũng tập trung, quyết liệt chỉ đạo, quản lý, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát để phát hiện kịp thời những diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của Nhân dân. Các đơn vị chủ trì, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác trong ban chỉ đạo 389 các cấp hoặc các địa phương, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhận thức đúng và tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, an sinh xã hội tại địa phương.
Lực lượng quản lý thị trường đã và đang kiểm tra, kiểm soát thị trường, cập nhật tình hình về hàng hóa, giá cả hàng hóa ở tất cả các địa phương. Các lực lượng cũng sẽ thông tin, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm liên quan lĩnh vực giá, gây bất ổn thị trường.
Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phú Yên |
VÕ PHÊ