Thứ Hai, 25/11/2024 13:42 CH
Khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Thứ Sáu, 12/08/2022 13:07 CH

Chị Lương Thị Huỳnh Triểm, chủ cơ sở sản xuất Bột ngũ cốc Faimy9 (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) giới thiệu sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh năm 2022. Ảnh: NGỌC HÂN

Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Sau gần 4 năm triển khai, chương trình OCOP được xem là giải pháp quan trọng, hướng tới phát triển nông nghiệp - nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Nỗ lực đạt sản phẩm OCOP

 

Sau gần 4 năm triển khai chương trình, đến nay, toàn tỉnh có 27 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó, 23 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.

 

Để được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, các sản phẩm phải trải qua nhiều khâu thẩm định kỹ càng. Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên (Sở NN-PTNT) cho biết: Sau khi tiếp nhận tờ trình của UBND các huyện, thị về đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, Sở NN-PTNT thành lập tổ giúp việc và mời chuyên gia tư vấn họp kiểm tra, thẩm định hồ sơ từng sản phẩm trước khi trình hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào các đợt thẩm định được tổ chức hàng năm.

 

Tại các buổi kiểm tra, đánh giá tại cơ sở sản xuất các sản phẩm đăng ký công nhận OCOP đợt 2 năm 2022 mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận sản phẩm OCOP là cả quá trình, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất nhiều từ chủ thể. Do đó, khi hoàn thành mục tiêu, chủ thể càng quyết tâm để sản phẩm vươn xa trên thị trường.

 

Ông Nguyễn Duy Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Khang Châu (TP Tuy Hòa) cho biết: “Việc hoàn thiện các bước cho sản phẩm OCOP mất khá nhiều thời gian, công sức, với đầy đủ các tiêu chuẩn như: công bố chất lượng sản phẩm; mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, bảo vệ môi trường; phát triển sản phẩm, gắn với câu chuyện về sản phẩm… Việc được công nhận đạt chuẩn OCOP 3-4 sao là cơ sở bước đầu để khẳng định thương hiệu sản phẩm và được nhiều người tiêu dùng tiếp nhận”.

 

Tạo chỗ đứng trên thị trường

 

Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, phát triển sản phẩm OCOP là phát triển tiềm năng thế mạnh của địa phương, là nội lực của kinh tế địa phương. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chạy theo thành tích, số lượng. Bởi khi chạy theo số lượng thì chất lượng các sản phẩm thường không đạt, từ đó khó đứng vững trên thị trường.

 

“Từ khi triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương được hỗ trợ, nâng tầm lên thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Đồng thời, sản phẩm hàng hóa được trưng bày, giới thiệu, bán rộng rãi tại các hội chợ công nghiệp, xúc tiến thương mại du lịch… góp phần lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Phú Yên trên thị trường trong và ngoài tỉnh”, ông Nguyên nói.

 

Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện chương trình OCOP, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) hiện có 9 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3-4 sao, tạo dựng được tên tuổi trên thị trường với số lượng nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ mở rộng trên toàn quốc; đồng thời xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Để có được kết quả đó, những năm qua, đơn vị luôn chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, áp dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm khóm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din cho biết: “Chương trình OCOP thực sự là cơ hội tốt để quảng bá nông sản địa phương. Kể từ khi các sản phẩm bánh khóm, khóm sấy, rượu khóm, nước rửa chén sinh học được chứng nhận OCOP, việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị có nhiều thuận lợi hơn trước với lượng khách hàng ngày một tăng”.

 

Tham gia chương trình OCOP, sản phẩm bò một nắng Bảy Thư của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thư (huyện Sơn Hòa) được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Sau khi có chứng nhận, sản phẩm bò một nắng Bảy Thư đã tạo niềm tin cho khách hàng, có mặt tại nhiều điểm kinh doanh, buôn bán, các chuỗi siêu thị ở mọi miền Tổ quốc. “Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, sản phẩm bò một nắng đã có doanh thu vượt cả năm 2021. Đặc biệt, thời gian gần đây, ngành Du lịch mở cửa trở lại, sản phẩm bò một nắng Bảy Thư hút hàng, cung không đủ cầu”, bà Thư phấn khởi nói.

 

“Thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp sản phẩm; đồng thời có phương án hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm”, ông Nguyễn Lý Nguyên khẳng định. 

 

Để có thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng, các đơn vị, địa phương liên quan phải chủ động khảo sát toàn bộ sản phẩm. Từ đó xác định rõ sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tư vấn giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chí của chương trình OCOP. Riêng đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, chủ thể cần tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng để nâng hạng sao.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek