Thứ Sáu, 04/10/2024 22:25 CH
Để phát triển du lịch biển bền vững
Thứ Bảy, 23/08/2008 07:01 SA

Hàng loạt dự án phát triển du lịch gắn với biển đã và đang được triển khai ở Phú Yên. Vấn đề đặt ra là làm thế nào khai thác tiềm năng lớn lao của du lịch biển đồng thời đảm bảo tính bền vững.

 

Bien-2-080823.jpg

Những khu du lịch đang mọc lên bên bờ biển - Ảnh: H.THƯƠNG

 

Với chiều dài bờ biển hơn 3.200 km, Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch biển. Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng Việt Nam có tiềm năng để xây dựng thương hiệu những bãi biển mang tầm quốc tế. Đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Quyết định số 194/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận phát triển du lịch dựa trên việc phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch biển là chủ yếu. Đầu tư xây dựng các khu du lịch biển quy mô lớn với trang thiết bị hiện đại đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch có thu nhập cao...”.

 

TÀI NGUYÊN DỒI DÀO, ĐẶC SẮC

 

Phú Yên được thiên nhiên ban tặng tài nguyên dồi dào, đặc sắc để phát triển du lịch biển. Bờ biển Phú Yên dài 189 km, nhiều nơi khúc khuỷu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ như đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô. Nhiều bãi tắm đẹp như Bãi Bàng, Bãi Bàu, Bãi Rạng, Bãi Nồm, Bãi Tràm, Bãi Từ Nham, Bãi Phú Thường, Bãi Long Thủy, Bãi biển Tuy Hòa, Bãi Môn... Nhiều gành độc đáo như Đá Đĩa, gành Đỏ, gành Dưa, gành Yến. Nhiều đảo ven bờ như Nhất Tự Sơn, Lao Mái Nhà, hòn Chùa, hòn Than, hòn Yến, hòn Dứa, hòn Nưa... Tất cả đều là những thế mạnh để phát triển du lịch biển. Đặc biệt, ngọn hải đăng nằm trên mũi Đại Lãnh là điểm cực đông của đất liền Việt Nam. Gành Đá Đĩa nổi tiếng bởi hiện tượng địa chất độc nhất vô nhị ở nước ta. Vũng Rô gắn liền với di tích Tàu Không số và Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đầm Ô Loan là danh thắng quốc gia đã đi vào thơ ca với những sản vật nổi tiếng như sò huyết, hàu, sứa, điệp. Nhiều loại đặc sản biển như cá ngừ đại dương, tôm hùm, mực, cá… Các lễ hội truyền thống của cư dân vùng biển như cầu ngư, đua thuyền đầm Ô Loan, hô bài chòi... Các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ rất đặc sắc.

 

ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BIỂN BỀN VỮNG

 

Quản lý, khai thác tài nguyên du lịch biển theo quy hoạch

 

Theo Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, thời gian qua một số tỉnh, thành phố đã nóng vội trong việc khai thác tài nguyên du lịch biển dẫn đến nhiều dự án nhỏ lẻ, trùng lắp sản phẩm, môi trường ô nhiễm, cảnh quan bị phá vỡ, thiếu tính bền vững... Từ bài học kinh nghiệm đó, những năm gần đây Phú Yên đã chú trọng công tác quy hoạch du lịch, lựa chọn nhà đầu tư cho những dự án lớn ở phía bắc của tỉnh như các dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên, Khu du lịch sinh thái Sao Việt (Núi Thơm), Khu du lịch Hòn ngọc Bãi Tràm, Khu du lịch Long Hải, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gành Đá Đĩa, Khu du lịch sinh thái Rừng dương Thành Lầu, ven đầm Ô Loan, Khu du lịch sinh thái Bãi Bầu, Làng du lịch quốc tế ven biển Tuy Hòa… Hiện nay, có một số dự án đi vào hoạt động, còn lại đang trong quá trình xây dựng, lượng khách đến ít nên chưa có dấu hiệu gì đáng quan tâm về môi trường. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, trong quá trình kêu gọi đầu tư, thông báo chủ trương, thẩm định duyệt dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư... chúng ta phải tiếp tục thực hiện theo quy hoạch, ưu tiên những dự án du lịch biển có quy mô lớn, có xét đến môi trường sinh thái, làm sao để các dự án trong cùng khu vực không phải cạnh tranh (không lành mạnh) về thị trường khách, giá cả, sản phẩm du lịch trùng lắp... Ngoài ra, để phát triển theo hướng bền vững cần gắn việc khai thác tài nguyên du lịch nhân văn như các lễ hội của cư dân vùng biển, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh biển…

 

Một tài nguyên quan trọng cho loại hình du lịch lặn biển là hệ sinh thái biển với các rạn san hô. Hiện nay, Ban Quản lý chương trình hợp tác Việt Nam – Thụy Điển về tăng cường năng lực quản lý đất đai về môi trường tại Phú Yên (chương trình SEMLA – Phú Yên) đang thực hiện dự án Điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái san hô vùng ven biển tỉnh Phú Yên, đưa ra giải pháp bảo tồn dựa vào cộng đồng. Một trong những mục tiêu của dự án là đánh giá tiềm năng của rạn san hô; từ đó ngành du lịch sẽ nghiên cứu quy hoạch, khai thác hợp lý cho loại hình du lịch lặn biển.

 

Bien-080823.jpg

Một khu du lịch biển ở Sông Cầu - Ảnh: Q.LONG   

 

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch

 

Hoàn chỉnh các đường Độc Lập - Long Thủy - gành Đá Đĩa, Hùng Vương – Vũng Rô, tiếp tục xây dựng, hình thành tuyến giao thông trục dọc ven biển từ quốc lộ 1D đến Vũng Rô đi qua các khu du lịch ven biển của tỉnh, nối liền các khu du lịch với sân bay, bến cảng, khu kinh tế Nam Phú Yên… tạo động lực rất lớn để phát triển kinh tế xã hội nói chung, ngành du lịch nói riêng. Tiếp tục xây dựng các đường nối với các khu du lịch hiện nay như đường cao tốc nối sân bay Tuy Hòa đến gành Đá Đĩa, đường nối quốc lộ 1A đến Khu du lịch Bãi Xếp, từ quốc lộ 1A đến khu du lịch Bãi Tràm, từ quốc lộ 1A đến gành Đá Đĩa... Cần quan tâm đến cảnh quan môi trường, quy hoạch các khu dịch vụ ở hai bên các tuyến đường này. Cảng biển, cầu tàu là những hạ tầng không thể thiếu cho phát triển du lịch biển. Ngoài các cảng hiện có và dự kiến xây dựng trong thời gian đến như cảng tại Bãi Lách, cảng vận tải tổng hợp tại Bãi Chính, cảng chuyên dụng cho khu hóa dầu Bãi Gốc, cần nghiên cứu xây dựng cảng chuyên dụng cho du lịch, các cầu tàu du lịch ở phía bắc của tỉnh để đón những tàu du lịch cao cấp.

 

Sớm hình thành một số khu du lịch biển có quy mô lớn để làm bước đột phá

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thông báo chủ trương đầu tư để làm bước đột phá cho du lịch Phú Yên, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch biển Phú Yên từ những dự án này. Đối với các dự án nằm dọc theo bãi biển Tuy Hòa tương lai, nên hình thành một khu du lịch biển Tuy Hòa để tạo sự thống nhất chung trong quản lý, điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh trong khu vực này. 

 

Hình thành một số tuyến du lịch ven biển đặc trưng

 

Để xây dựng, thực hiện được các tuyến du lịch trên, cần có sự kết hợp giữa các đơn vị kinh doanh khu, điểm du lịch, các đơn vị lữ hành, cơ quan, tổ chức quản lý các tài nguyên du lịch, sự hỗ trợ trong công tác xúc tiến, quảng bá của tỉnh. Trước mắt có thể hình thành các tuyến sau:

 

- Tuyến phía nam của tỉnh: leo núi Đá Bia (loại hình du lịch thể thao gắn liền với truyền thuyết hành trình Nam tiến của Vua Lê Thánh Tôn); Khu di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô (tham quan, tìm hiểu về lịch sử Tàu Không số); Bãi Môn (tắm biển, cắm trại, thưởng thức hải sản biển...); Mũi Điện (leo lên trạm Hải đăng để đón ánh bình minh sớm nhất)...

 

- Tuyến phía bắc Phú Yên: Tham quan làng nghề nước mắm Gành Đỏ, sử dụng dịch vụ du lịch biển tại Khu du lịch Hòn ngọc Bãi Tràm, Khu du lịch sinh thái Bãi Bầu, điểm dịch vụ du lịch ven biển phía bắc Sông Cầu; thưởng thức đặc sản từ đầm Cù Mông, Vịnh Xuân Đài.

 

- Tuyến phía bắc TP Tuy Hòa: Khu du lịch sinh thái Sao Việt - bãi biển Long Thủy (tắm biển)- đầm Ô Loan (du thuyền đêm trên đầm thưởng thức đặc sản)- gành Đá Đĩa (tham quan, tắm biển...)- nhà thờ Mằng Lăng (tham quan, nghe giới thiệu về nhà thờ)...

 

-Tuyến du lịch nội thành TP Tuy Hòa: tắm biển Tuy Hòa, tham quan các chùa, mua sắm tại các chợ, siêu thị, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các khu vui chơi giải trí, tháp Chăm - núi Nhạn...

 

DL-bIEn-0-80823.jpg

Bãi Môn, Mũi Điện - điểm đến hấp dẫn du khách - Ảnh: D.T.XUÂN

 

Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, liên doanh liên kết

 

Xúc tiến, quảng bá, liên doanh liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên để thu hút đầu tư, thu hút khách đến Phú Yên, hình thành các tour du lịch khai thác thế mạnh về du lịch biển, có sản phẩm du lịch biển đặc trưng riêng của từng khu du lịch, của tỉnh, của vùng. Trước mắt, khai thác thị trường khách từ các tỉnh Tây Nguyên về Phú Yên bằng các sản phẩm du lịch biển; từ đó mở rộng sang các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Chú trọng xây dựng các ấn phẩm quảng bá du lịch biển: tập gấp, sách cẩm nang, bản đồ, phim tài liệu ...

 

Quan tâm đến lợi ích cộng đồng dân cư ven biển

 

Hiện nay cư dân ven biển chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; trong đó nghề nuôi trồng thủy sản đem lại lợi ích khá cao cho ngư dân. Các huyện ven biển, TP Tuy Hòa đều có tiềm năng thủy sản, du lịch rất lớn. Vấn đề là làm sao khai thác có hiệu quả hai tiềm năng trên. Vấn đề đặt ra là chú trọng tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư về giữ gìn tài nguyên biển nói chung, tài nguyên du lịch biển nói riêng để khai thác có hiệu quả, mang tính bền vững.

 

Khi đầu tư phát triển du lịch biển, cần làm cho cộng đồng dân cư ở vùng biển đó nhận thức được rằng du lịch sẽ đem lại lợi ích cho họ, tạo công ăn việc làm; đồng thời tạo nguồn thu nhập chính đáng cho người dân địa phương- những người đã gắn bó lâu đời với biển. Điều đó sẽ hướng họ cùng tham gia phát triển du lịch biển, cùng xây dựng thương hiệu, hình ảnh của địa phương mình. Chẳng hạn như những địa điểm vùng đông bắc Sông Cầu, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, Long Thủy Mỹ Quang, hòn Chùa, các đảo ven biển… của Phú Yên. Một số khu vực có thể kết hợp phát triển du lịch với phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Sự kết hợp có hiệu quả cũng có thể kiểm soát được các ảnh hưởng tiêu cực (môi trường, xã hội) của ngành du lịch đối với thủy sản và ngược lại. Một số dịch vụ du lịch có thể kết hợp như câu cá, lặn biển, đánh lưới, khách du lịch cùng với ngư dân đánh bắt thủy sản, tham quan khu vực nuôi thủy sản, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các mặt hàng từ biển,vận chuyển khách du lịch bằng thuyền… Du lịch biển, nuôi trồng, khai thác thủy sản đều mang tính thời vụ rất cao. Cần có sự kết hợp giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch biển trong việc tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí, lễ hội để các hoạt động thêm phong phú hơn, tránh tình trạng quá tải trong mùa hè (mùa cao điểm) và vắng khách trong mùa mưa (mùa thấp điểm) để cư dân, du khách cùng tham gia… Cần dung hòa lợi ích giữa nhà kinh doanh du lịch biển và cư dân bản địa.

 

Xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch biển

 

Ngành du lịch tiếp tục phối hợp các trường đại học, cao đẳng, liên kết tổ chức các lớp để đào tạo, đào tạo lại bằng nhiều hình thức đối với cán bộ quản lý nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, nhân viên lễ tân, buồng, bàn, bếp, hướng dẫn viên; trong đó chú ý đến đội ngũ lao động tại địa phương để đào tạo họ thành những thuyết minh viên am hiểu về biển, lái tàu, hướng dẫn lặn biển, câu cá... có khả năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử khi tiếp xúc trực tiếp với khách.

 

Phát triển du lịch biển Phú Yên theo hướng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Phú Yên về thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến 2020.

 

PHẠM VĂN BẢY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek