Xác định công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa của tỉnh; thời gian qua UBND tỉnh và ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Không nhiều doanh nghiệp tham gia
Phát biểu trong chương trình “Phát triển ngành CNHT tại Khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Nam Hà Nội” mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội cho biết: Việt Nam chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sản xuất, chế tạo trong ngành CNHT. Đây là con số quá thấp khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT tại một số nước trong khối ASEAN.
Đánh giá về sự phát triển của ngành CNHT, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng, CNHT của Việt Nam vẫn còn rất yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… hầu như chưa có ngành CNHT đi kèm, phải phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này dẫn đến sản xuất manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp. Nguyên nhân do các doanh nghiệp CNHT trong nước khá thấp cả về năng lực quản lý sản xuất, trình độ công nghệ; chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hay công cụ quản lý sản xuất. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9.000; 90% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14.000...
Theo Sở Công Thương, tại Phú Yên, thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016-2025, sở này đã phối hợp với các sở, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến các đơn vị, địa phương; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 208/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh từ năm 2018-2025 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn, hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển CNHT ngày càng được hoàn thiện. Phú Yên đã ban hành đồng bộ các văn bản về phát triển CNHT tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tổ chức thực hiện; đã hình thành được một số nhóm ngành CNHT như sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, cơ khí… Tuy nhiên, thời gian qua, ngành CNHT của tỉnh vẫn chưa thật sự phát triển. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT là doanh nghiệp quy mô nhỏ, hạn chế về vốn, lao động, trình độ, công nghệ, năng lực cạnh tranh và còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chưa đáp ứng các yêu cầu tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, chưa liên kết được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hình thành chuỗi cung ứng giá trị... Mặt khác, trên địa bàn còn thiếu các dự án, sản phẩm công nghiệp chủ lực có quy mô lớn, đủ mạnh để làm đầu mối liên kết tạo ra hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy, kéo theo ngành CNHT của tỉnh phát triển. Việc thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực CNHT gặp nhiều khó khăn; chưa hình thành được các mô hình phát triển khu, cụm công nghiệp liên kết, phát triển theo chuỗi sản xuất, cung ứng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp…
Tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp
Mục tiêu của tỉnh Phú Yên là đến năm 2025 phát triển CNHT đáp ứng khoảng 20% nhu cầu cho sản xuất công nghiệp trong tỉnh. Phú Yên ưu tiên phát triển CNHT, nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh và tính năng động của doanh nghiệp trên địa bàn, tạo sức hút để các nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn Phú Yên làm điểm đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp để tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT phát triển; xây dựng và hình thành các KCN, cụm công nghiệp liên ngành phục vụ cho các ngành CNHT.
Theo các ngành chức năng của tỉnh, để giải quyết những trở ngại đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT, cần có những giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn, chính sách… Việc kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn cũng rất quan trọng để doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi sản xuất CNHT. Vừa qua, Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế cũng đã được ban hành với những cơ chế, chính sách mới để phát triển khu kinh tế, KCN trong tình hình mới. Đây sẽ là cơ hội, giải pháp để thúc đẩy, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp CNHT phát triển trong thời gian tới.
Ông Bùi Xuân Khương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP An Hưng cho hay: Hiện các chi phí vận chuyển, dịch vụ logistics, kho bãi, nguyên vật liệu… đều tăng, nhưng công ty cũng nỗ lực tiết giảm, duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Với CNHT, An Hưng cũng như các doanh nghiệp khác mong muốn tỉnh tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, ưu đãi hơn như: cơ chế đặc thù tại các KCN, khu sản xuất kinh tế để thu hút các nhà đầu tư. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng xây dựng, áp dụng những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế, giá cho thuê đất, thủ tục, khuyến khích đầu tư… vào lĩnh vực CNHT, công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đạt mục tiêu trên, từ nay đến năm 2025, ngành Công Thương và các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư, phát triển CNHT, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các đơn vị sản xuất công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT; mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các ngành CNHT; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống về quản lý chất lượng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất sản phẩm CNHT phù hợp với yêu cầu quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ cập nhật thông tin về CNHT, triển khai các dự án nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu, vật liệu trong sản xuất sản phẩm CNHT.
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp dự tính tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 7,2%. Trong đó, linh kiện điện tử là một trong số sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng với mức tăng 15,8%; ngành công nghiệp chế tạo tăng 6,4%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trong quý II/2022 cho thấy, có 27,27% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt lên so với quý I/2022; 22,73% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh giảm. Dự kiến quý III/2022 có đến 34,09% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2022; chỉ có 11,36% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh giảm. |
VÕ PHÊ