Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, các chủ thể đã xây dựng được hàng chục sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục tiếp sức các chủ thể thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Khai thác tiềm năng
Phú Yên hiện có hàng trăm sản phẩm có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đánh giá lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP, tỉnh đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Nhiều địa phương đã chủ động mời chuyên gia tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện chương trình OCOP phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế; tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia chương trình OCOP.
Sau gần 4 năm triển khai chương trình, đến nay toàn tỉnh có 27 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 23 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu; phối hợp hướng dẫn, xây dựng dữ liệu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh về thương mại, thế mạnh của các HTX, doanh nghiệp.
Với nhiều chủ thể, những nỗ lực và cố gắng ban đầu khi xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo nền tảng giúp các đơn vị, doanh nghiệp từng bước nâng giá trị nông sản địa phương. Theo ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp, từ vùng nguyên liệu lúa ở địa phương, HTX đã ứng dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và lên ý tưởng nâng cao giá trị cho nông sản thông qua việc chế biến. Hiện sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng của HTX đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh 3 sao, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong nước.
Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, thông tin: Chúng tôi luôn xác định, sản phẩm trọng tâm phải dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, từ đó vạch ra hướng đi cụ thể để phát triển thành sản phẩm OCOP. Tây Hòa đã có một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Hiện địa phương tiếp tục đăng ký tham gia, đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP năm 2022, gồm bột ngũ cốc FaiMy9 (xã Hòa Phong), dầu dừa Ông Hai (xã Hòa Phú), gạo chất lượng cao Hòa Bình 1, giò chả Minh Vạn và đậu dầm Hà Tài (xã Hòa Mỹ Đông), mắm cá sặc (xã Hòa Thịnh), hạt sen sấy khô, tim sen (xã Hòa Đồng)…
Nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm
Giai đoạn 2022-2025, Phú Yên phấn đấu mỗi năm có ít nhất 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (mỗi địa phương ít nhất 2 sản phẩm) và đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 90 sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng sẽ rà soát các sản phẩm đủ điều kiện trình Hội đồng OCOP trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia (5 sao).
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, HTX; xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất, hệ thống hỗ trợ chương trình OCOP; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm có thế mạnh của các địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết: Năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cán bộ, người dân, đặc biệt là các HTX có ý thức trong việc đăng ký xây dựng các sản phẩm tham gia chương trình. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX những phần việc còn yếu để có thêm nhiều sản phẩm OCOP.
Là một trong những đơn vị đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP năm 2022, Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý (phường 9, TP Tuy Hòa) đang được các đơn vị chuyên môn của thành phố tư vấn hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. “Tham gia chương trình OCOP, công ty đăng ký sản phẩm bò một nắng, bò một nắng ăn liền, chả ram tôm đất, cá ngừ một nắng với mong muốn các sản phẩm của công ty được chứng minh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được quảng bá rộng rãi hơn, tạo lợi thế để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường”, ông Phan Văn Hổ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý nói.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, giải pháp nâng tầm sản phẩm OCOP mà ngành NN-PTNT tỉnh đưa ra hiện nay là hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm. Địa phương tiếp tục thực hiện các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp. Cùng với đó nâng tầm chất lượng lên 4 sao, 5 sao, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc triển khai hiệu quả chương trình OCOP là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Những kết quả đạt được thời gian qua là nền tảng vững chắc để các sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo được các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT |
NGỌC HÂN