Hiện nay là mùa cao điểm khai thác rừng trồng. Các cơ quan chức năng đang chủ động triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa tình trạng cháy rừng khi người dân khai thác rừng xong, dọn thực bì trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Liên tục tuyên truyền
Những ngày này về các địa phương có diện tích rừng trồng lớn như các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, TX Sông Cầu…, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người dân khai thác cây keo sau thời gian trồng và chăm sóc. Ông Ksor Hét (thôn Chư Plôi, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) bán khoảng 30ha keo trồng 5 năm với giá 70 triệu đồng/ha cho thương lái. Đây là mức giá cao hơn so với những năm trước. “Nếu trừ hết chi phí giống, công trồng và chăm sóc, tôi có lợi nhuận khoảng 25-30 triệu đồng/ha. Mức giá này giúp chúng tôi có thêm thu nhập, đồng thời tiếp tục tin tưởng vào chính sách trồng rừng phát triển kinh tế, phủ xanh đồi núi trọc”, ông Ksor Hét cho biết.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương có diện tích rừng trồng được khai thác nhiều nhất trên địa bàn tỉnh là huyện Sơn Hòa với 326ha; tiếp đến là TX Sông Cầu 255ha, huyện Đồng Xuân 231ha và huyện Sông Hinh hơn 145ha.
Hiện gỗ keo có giá cao hơn so với các năm trước, trung bình từ 60-80 triệu đồng/ha. Việc người dân khai thác keo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cùng với đó là những vấn đề phức tạp liên quan đến cháy rừng, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm nắng nóng như hiện nay. Vì vậy, ngành Kiểm lâm tỉnh đã có nhiều biện pháp kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền cho các hộ dân sau khi khai thác keo, nếu dọn thực bì phải báo chính quyền địa phương theo dõi. “Trước đây đã có tình trạng người dân đốt dọn thực bì sau khi khai thác keo khiến lửa lây lan, gây ra tình trạng cháy rừng. Vì thế, khi người dân khai thác keo xong, chúng tôi liên tục tuyên truyền để họ hiểu, việc chọn thời điểm thích hợp để dọn thực bì là rất quan trọng. Nếu trường hợp nào không tuân thủ quy định, chúng tôi sẽ lập biên bản để xử lý”, ông Tạ Ngọc Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa cho biết.
Xây dựng phương án phòng chống cháy rừng
Tại TX Sông Cầu, với khoảng 28.000ha diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên, trong đó có đến hơn 22.000ha rừng phòng hộ, công tác ngăn ngừa cháy rừng luôn được ngành chức năng tại địa phương này quan tâm. Hiện công tác chuẩn bị, xây dựng các phương án ngăn chặn cháy rừng trong mùa khai thác rừng được lực lượng chức năng và các chủ rừng thực hiện nghiêm túc.
Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI có diện tích rừng khai thác lớn. Do vậy, ngay từ đầu mùa khai thác, công ty này đã xây dựng phương án phòng chống cháy rừng trình ngành chức năng phê duyệt; đồng thời kết hợp hạt kiểm lâm địa phương tập huấn kỹ năng phòng chống cháy rừng cho công nhân lao động tham gia khai thác rừng. Các tổ đội khai thác rừng cho đơn vị đều ký cam kết phòng chống cháy rừng. Anh Nguyễn Sự, công nhân Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI đang thu hoạch keo tại xã Xuân Thọ 1, TX Sông Cầu nói: “Chúng tôi luôn đề cao cảnh giác khi khai thác rừng trồng giáp với rừng tự nhiên. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân thường xuyên đi rẫy, đi rừng không nên sử dụng các phương tiện bật lửa, hút thuốc khi đi trong rừng; đừng để những chuyện đáng tiếc xảy ra”.
Theo Hạt Kiểm lâm TX Sông Cầu, ngoài đẩy mạnh công tác tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ), đơn vị này cũng tích cực phối hợp các cấp, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ rừng, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng phòng chống cháy rừng cho các chủ rừng và lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở địa phương.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên Nguyễn Văn Toàn cho hay: “Nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng nay khiến nhiều cánh rừng trở nên xơ xác. Lớp thực bì khô ngày càng dày thêm. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo các chủ rừng cần hết sức thận trọng khi sử dụng lửa trong rừng, nhất là đốt thực bì sau khai thác. Đề nghị bà con làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; khi khai thác, khi đốt thực bì phải khoanh vùng, có đủ lực lượng và thời tiết ổn định mới được đốt”.
Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã được chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt là ở các địa phương có diện tích rừng lớn và nguy cơ cháy rừng cao. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng lớn. |
NHẬT HUY