Thứ Hai, 25/11/2024 17:45 CH
Gạch không nung trong các công trình xây dựng: Chật vật tìm chỗ đứng
Thứ Bảy, 25/06/2022 07:00 SA

Gạch không nung được sử dụng tại một công trình ở TP Tuy Hòa. Ảnh: NHƯ THANH

Mặc dù có nhiều ưu điểm so với gạch đất sét nung và Nhà nước cũng có cơ chế khuyến khích, nhưng thời gian qua, việc sử dụng gạch không nung (GKN) trong các công trình xây dựng vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các công trình nhà dân. Hiện các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng vật liệu này đúng yêu cầu kỹ thuật khi thi công.

 

Giảm ô nhiễm môi trường

 

Nhằm khuyến khích sản xuất, sử dụng GKN, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD về quy định sử dụng GKN trong các công trình xây dựng. Theo đó, từ ngày 15/1/2013, các công trình xây dựng được đầu tư bằng vốn ngân sách phải sử dụng GKN. Những năm qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo phát triển GKN để từng bước thay thế gạch đất sét nung, hạn chế sử dụng đất sét và than - nguồn tài nguyên không tái tạo, góp phần tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải cacbonic. Tại Phú Yên, thực hiện theo chỉ đạo Chính phủ, UBND tỉnh đã triển khai chương trình phát triển vật liệu không nung và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công; tất cả các công trình sử dụng vốn Nhà nước như trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng GKN.

 

GKN được sản xuất từ những nguyên liệu đơn giản: xi măng, khoáng silicat, chất phụ gia, chất thải công nghiệp khác… bằng công nghệ mới, hiện đại. Loại gạch này có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu lực, chịu nhiệt tốt, độ bền cao, tạo bước đi hoàn toàn mới trong ngành Xây dựng. Theo quy trình sản xuất, loại gạch này không qua nung, sấy. Hình dáng, kích thước sản phẩm và các tính chất cơ lý vẫn tương tự gạch đất sét nung. Không chỉ có ưu điểm trong xây dựng, GKN còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường như xử lý các chất thải rắn trong công nghiệp, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời bảo vệ nguồn nước ngầm do khai thác đất sét để sản xuất gạch nung.

 

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, để từng bước thay thế gạch đất sét nung, thời gian qua, nhiều văn bản với các chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng các sản phẩm GKN được ban hành. Việc phát triển vật liệu xây không nung đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình đưa GKN vào sử dụng trong thực tế còn hạn chế, đặt ra không ít thách thức cần giải quyết.

 

Thi công đúng kỹ thuật

 

Tồn tại trên thị trường gần 10 năm, tuy nhiên, GKN vẫn là một vật liệu gây e ngại đối với các chủ đầu tư. Có thể thấy, việc áp dụng GKN vào các công trình còn nhiều bất cập. Điển hình nhất là tình trạng nứt tường tại các công trình.

 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, GKN là vật liệu xây dựng mới, đòi hỏi quy trình xây dựng phải có tiêu chuẩn riêng. Đơn cử trong sử dụng GKN có áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9377-2:2012 do Viện KH-CN xây dựng (Bộ Xây dựng) biên soạn quy định cho giai đoạn tô trát. Quá trình tô trát ở những vị trí xung yếu như khe, nách tường hay bị co giãn, các mảng tường lớn đều phải gia cố bằng lưới thép hoặc lưới thủy tinh chống nứt nẻ, đứt gãy. Trong khi đó, đội ngũ thợ xây phần lớn trưởng thành từ thực tiễn, không qua trường lớp đào tạo, không được bồi dưỡng các quy chuẩn xây GKN nên các yếu tố kỹ thuật không được đảm bảo.

 

Để khắc phục các bất cập của GKN trong các công trình xây dựng, các nhà thầu phải có giải pháp thi công hợp lý. Ông Phạm Văn Nhật, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai cho biết: Khi sử dụng GKN, đội ngũ công nhân nhất thiết phải có tay nghề, sử dụng thành thạo các công cụ chuyên dùng. Ngoài ra, để đảm bảo độ co ngót của gạch, sau khi xây tường, công nhân phải tiến hành tưới nước thường xuyên. Như vậy, công trình sẽ hạn chế được tình trạng nứt tường sau khi hoàn thành.

 

Theo Sở Xây dựng, nứt tường là hiện tượng thường gặp trong các công trình xây dựng ở nước ta, không chỉ với GKN, mà cả với gạch đất sét nung. Sự cố nứt tường ở các công trình sử dụng GKN có thể do một số nguyên nhân như chất lượng gạch không đạt yêu cầu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; xây dựng không đúng kỹ thuật; sử dụng vữa xây không đúng tiêu chuẩn làm giảm khả năng liên kết và gây nứt… “Để đảm bảo an toàn, chất lượng công trình, Sở Xây dựng thường xuyên nhắc nhở nhà thầu thi công đúng kỹ thuật. Đồng thời khi thẩm tra hồ sơ thiết kế công trình, đơn vị yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đưa vật liệu GKN vào hồ sơ thiết kế; bổ sung giá GKN vào bảng công bố giá vật tư, vật liệu hằng tháng”, ông Nguyễn Văn Đồng cho biết.

 

Theo Bộ Xây dựng, sử dụng GKN trong các công trình xây dựng thay thế gạch đất sét nung là chủ trương của Nhà nước nhằm bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế kỹ thuật của các phương án sử dụng vật liệu trong công trình hiện nay.

 

NHƯ THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek