Thành phố thông minh được biết đến từ năm 2009 với sự khởi xướng của tập đoàn IMB (Hoa Kỳ). Tuy nhiên cho đến nay, hầu hết các nước trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn đầu của phát triển; bởi nhiều yếu tố về công nghệ, chỉnh sửa về mô hình theo nhu cầu và phụ thuộc vào tiềm lực tài chính khi phát triển theo mô hình này.
Thế nào là thành phố thông minh
Có khá nhiều định nghĩa về thành phố thông minh. Theo Ủy ban Châu Âu (EC): Thành phố thông minh là nơi có mạng lưới và dịch vụ truyền thông được thực hiện hiệu quả với việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và viễn thông vì lợi ích của cư dân và doanh nghiệp, các thành phố sử dụng các giải pháp công nghệ để cải thiện quản lý có hiệu quả về môi trường của đô thị.
Liên minh viễn thông thế giới (ITU) lại định nghĩa: Thành phố thông minh, bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các hoạt động và dịch vụ đô thị; khả năng cạnh tranh đồng thời đáp ứng nhu cầu của hiện tại và tương lai, liên quan đến các khía cạnh về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa.
Theo luật về đô thị và cộng đồng thông minh của Hoa Kỳ: Thành phố thông minh hoặc cộng đồng thông minh là một đô thị mà ở đó được ứng dụng các công nghệ thông tin, truyền thông đổi mới, sáng tạo, tiên tiến và đáng tin cậy; các công nghệ năng lượng và các cơ chế liên quan khác để cải thiện về sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân; tăng hiệu lực và hiệu quả, chi phí vận hành và cung cấp các dịch vụ dân sự, thúc đẩy phát triển kinh tế; ở đó người dân cảm thấy tốt hơn về các mặt an ninh, bền vững, đáng sống và đáng làm việc.
Tuy các định nghĩa về thành phố thông minh có khác nhau nhưng đều đi đến thống nhất, có 6 cốt lõi cần đạt được: Một là chính quyền thông minh, bao gồm các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả và tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính. Hai là kinh tế thông minh, gồm các giải pháp đầu tư cho sản xuất hiệu quả, thị trường lao động linh hoạt. Ba là giao thông thông minh gồm các giải pháp hướng đến xanh và sạch, tiết kiệm về chi phí và giảm khí thải. Bốn là môi trường thông minh bao gồm các giải pháp về năng lượng sạch. Năm là tòa nhà hay khu nhà ở thông minh là tiêu thụ ít về năng lượng. Sáu là cư dân thông minh tức là hướng đến một xã hội mở về thông tin, bao gồm các giải pháp nâng cao chất lượng sống của người dân về tiêu dùng, lối sống, an ninh và y tế.
Có thể nhận thấy, các tổ chức trên thế giới đưa ra khái niệm về thành phố thông minh có khác nhau, nhưng khá tương đồng và thống nhất, đấy như là mục tiêu để xây dựng và là tiêu chí để đánh giá hiệu quả đô thị - thành phố thông minh.
Hướng dẫn công dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Ảnh: LÊ HẢO |
Thực trạng và xu hướng phát triển
Hàng năm vẫn có các bảng xếp hạng về thành phố thông minh trên thế giới và vị trí thứ hạng, tùy theo sự phát triển của mỗi khu vực, châu lục cũng như mỗi thành phố. Năm 2018 nước Mỹ đã đề xuất xây dựng thành phố thông minh, tương tự như vậy Canada - một quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ - cũng đang áp dụng biện pháp xây dựng thành phố thông minh. Chính phủ Canada trao quyền cho các thành phố, khuyến khích đổi mới và sử dụng dữ liệu, công nghệ kết nối, đầu tư cho thành phố thông minh.
Trong danh sách các thành phố thông minh trên thế giới năm 2018 thì khối Bắc Mỹ có 2 đại diện đó là New York (Hoa Kỳ) và Toronto (Canada). Tại châu Âu, thành phố thông minh đang trong giai đoạn phát triển, có 78 thành phố đang trong giai đoạn xây dựng, nhắm tới mục tiêu phát triển thành phố thông minh.
Châu Á đã được nhận diện trong các lĩnh vực phát triển thành phố thông minh, đó là: Đề cập đến môi trường thông minh, lối sống thông minh, giao thông thông minh và con người thông minh. Hàn quốc có 2 thành phố là Songdo và Seoul đang xây dựng theo các tiêu chí trên.
Đối với Việt Nam, trong những năm qua có 10 thành phố đăng ký xây dựng phát triển đề án thành phố thông minh, trong đó mới chỉ tập trung việc đẩy mạnh phát triển về hạ tầng, công nghệ thông tin. Năm 2012, TP Đà Nẵng là đơn vị tiên phong được tập đoàn công nghệ IBM chọn là một trong 33 đô thị trên thế giới xây dựng thành phố thông minh; khi đó Đà Nẵng được tài trợ từ chương trình này xây dựng trung tâm điều hành thương mại, nâng cao chất lượng nước sạch đô thị, giao thông công cộng không có ách tắc.
Ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là một phần trong mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN do Singapore đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32. Một số các đô thị khác có điều kiện cũng đang áp dụng xây dựng thành phố thông minh như Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc…
Bên cạnh sự phát triển của các thành phố thông minh, hiện nay các chủ đầu tư của nhiều tập đoàn bất động sản lớn trên thế giới, kể cả ở Việt Nam cũng đang chuyển đổi, hướng đến xây dựng các khu đô thị thông minh, các tòa nhà thông minh (chung cư cao cấp). Ngay lập tức họ đưa ra mô hình: Khu đô thị mới với hệ sinh thái, môi trường dựa trên 4 trụ cột cốt lõi bao gồm: An ninh thông minh, vận hành thông minh, cộng đồng thông minh và hứa hẹn an toàn thông minh. Với quan điểm có nhiều khu đô thị, nhiều tòa nhà thông minh sẽ góp phần xây dựng thành phố thông minh.
Phát triển đô thị - thành phố thông minh đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, môi trường và xã hội. Thế giới và Việt Nam đã và đang đẩy mạnh tiến trình này hướng tới các thành phố thông minh. Mục tiêu là đem lại chất lượng sống của người dân đô thị được nâng cao hơn: Loại bỏ được khí thải nhà kính, có các giải pháp phòng chống tội phạm hữu hiệu, dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp tốt hơn, giao thông vận tải thông minh, có các giải pháp y tế thông minh, giúp đỡ người già, nâng cao tuổi thọ; xây dựng đô thị bền vững…
TP Tuy Hòa cũng đang quyết tâm, hướng đến xây dựng thành phố thông minh. Đây là lĩnh vực còn khá mới và có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau; đòi hỏi từ nhận thức và có quyết sách để từng bước đầu tư phát triển trong các lĩnh vực, hướng đến xây dựng đô thị Tuy Hòa - thành phố thông minh trong tương lai.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG