Hoạt động phối hợp giữa Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội và Hội nông dân Phú Yên để cho vay đối với hộ nghèo đang đem lại những hiệu quả rõ rệt trong chương trình xoá đói giảm nghèo và trong 3 năm qua đã giúp gần 18.000 hộ thoát khỏi diện nghèo.
Nguồn vốn cho vay xóa đói giảm nghèo đang phát huy hiệu quả - Ảnh: Thế Lập
Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Yên phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân thành lập 1119 tổ vay vốn ở từng thôn, đồng thời mở những lớp tập huấn về phương thức lập dự án, qui trình vay vốn...cho tổ trưởng, tổ phó. Ngân hàng chính sách xã hội Phú Yên đã giải ngân hơn 70 tỷ đồng để giúp nông dân trồng mía, nuôi bò, làm vườn ao chuồng, buôn bán nhỏ... Nhiều hộ nông dân nhờ được số vốn này đã bước qua cảnh đói nghèo. Như hộ ông Hà Văn Thanh (59 tuổi) từ xã Hoà Thành (huyện Đông Hoà) lên huyện miền núi Sông Hinh lập nghiệp từ năm 1992. Ông Thanh nói: “Vì nhà quá nghèo nên tôi phải lên đây làm mướn qua ngày, được Oi Lem (dân tộc Ê đê) nhận làm con nuôi và cho làm rẫy để kiếm sống. Tôi được ngân hàng cho vay 2 triệu đồng, sau đó được Oi Lem nhượng lại 1 ha đất rẫy với giá 3 chỉ vàng và trả trong vòng 5 năm nên tôi có điều kiện. Tôi đã mua một con bò nghé, vốn còn lại gia đình đầu tư trồng rau xanh trên diện tích 1000 mét vuông. Nhờ nguồn rau xanh này mà mỗi ngày gia đình tôi thu nhập 50.000 đồng; ngoài ra đàn bò cũng đã được 4 con và mấy sào lúa nước mỗi vụ cho 1,2 tấn....”. Hoặc như hộ anh Bùi Thái Suý từ tỉnh Thanh Hoá vào đây lập nghiệp cũng đã được ngân hàng cho vay 3 triệu đồng. Từ số tiền đó, anh Suý mua một con bò, đồng thời từ một số vốn vay khác mà nay gia đình ông đã có đàn bò 9 con, hai hồ nuôi cá với diện tích 1170 mét vuông. Anh Suý đã bán 3 con bò hơn 10 triệu đồng....
Ngân hàng chính sách xã hội Việt QUANG THUẦN
Tuy nhiên, hiện nay chất lượng dư nợ từ nguồn vốn này ở Phú Yên chưa cao vì vẫn còn tình trạng cho vay bình quân nên dẫn đến có nơi vốn không sử dụng hết, có nơi không đủ vốn, thậm chí còn cho vay sai mục đích. Do đó, nhiều địa phương đồng vốn đã sử dụng không hiệu quả và là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỉ lệ nợ quá hạn vẫn còn cao, lên đến 10,93%. Bên cạnh đó, qua thống kê cho thấy toàn tỉnh hiện có 36.092 hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới nhưng số hộ nghèo còn dư nợ lên đến 46.722 hộ. Điều đó cho thấy nhiều hộ đã vượt qua ranh giới nghèo nhưng vẫn được vay hoặc không chịu trả nợ gốc và lãi là bất hợp lý.
Quyền giám đốc Chi nhánh ngân hàng chính sách tỉnh Phú Yên Đào Tấn Nguyên cho biết: Trong năm nay sẽ nâng mức bình quân cho vay hộ nghèo từ 4,58 triệu đồng/hộ hiện nay lên 6,5 triệu đồng/hộ. Muốn vậy chúng tôi dứt khoát không cho vay theo kiểu bình quân, dàn trải mà chỉ cho vay thông qua dự án được thẩm định có thể mang lại hiệu quả và sẽ sớm thu hồi vốn vay từ hơn 10.700 hộ không còn thuộc diện nghèo. Việc cho vay sẽ đầu tư sâu vào trọng điểm theo yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp từng vùng, từng nơi.”. Để đạt mục tiêu trên, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Phú Yên phối hợp với Hội nông dân củng cố lại các tổ tiết kiệm và vay vốn, thay thế những tổ trưởng không đủ năng lực và sát nhập các tổ ít thành viên. Trong các tổ phải bình xét công khai, dân chủ và ưu tiên hộ nghèo nhưng chưa được vay. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phải có trách nhiệm trích một phần ngân sách bổ sung vào nguồn vốn để cho vay đối với hộ nghèo, không nên ỷ lại từ toàn bộ nguồn ngân sách của TW...”
THẾ LẬP