Từ năm 2002 đến nay, huyện Đồng Xuân triển khai được nhiều dự án giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình định canh định cư đã đưa 66 hộ đồng bào buôn Suối Mây ở đầu nguồn hồ Phú Xuân về định cư tại vùng cây Cầy Ba (Xuân Phước) gắn đầu tư đền bù thu hồi 17,2 ha đất của người dân trong vùng để cấp cho bà con.
Ở buôn Soi Nga (Xuân Lãnh), huyện sử dụng vốn chương trình 135 tổ chức khai hoang đồng ruộng 7 ha để cấp cho 15 hộ thiếu đất đưa vào sản xuất lúa 1 vụ. Ở thôn Phú Lợi (Phú Mỡ), sau khi xây dựng tại đây một trạm bơm điện, bà con đã tự nguyện san sẻ ruộng đất cho nhau. Trong khi cả thôn có 63 hộ nhưng có đến 40% hộ nghèo do không có ruộng lúa, già làng Ma Nghĩa cùng với thôn trưởng Ma Tý trực tiếp vận động và chia ruộng cho tất cả 370 nhân khẩu trong thôn để mọi người đều có ruộng làm lúa nước. Sau đó, Ma Nghĩa còn vận động dân làng khai hoang mở rộng cánh đồng lúa nước Phú Lợi thêm 5 ha nữa.
Diện tích sản xuất lúa nước của đồng bào đân tộc thiểu số ngày càng tăng - Ảnh: N.T
Năm 2004, Đồng Xuân đầu tư 111,2 triệu đồng từ vốn định canh định cư lồng ghép với Chương trình 134 khai hoang được 15 ha cấp cho 45 hộ thôn Suối Cối 2 (Xuân Quang 1). Điều đáng chú ý, những diện tích được giao cho bà con dân tộc thiểu số sản xuất, trong năm đầu, huyện còn lồng ghép vốn sự nghiệp kinh tế giúp bà con làm đất, cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác để sản xuất có hiệu quả. Hiện tại, đồng bào dân tộc thiểu số của huyện miền núi này có 500 ha ruộng lúa, trong đó có hơn 200 ha được tưới chắc bởi 8 công trình thuỷ lợi nhỏ sản xuất ổn định 2 vụ/năm, đạt năng suất bình quân 50 tạ/ha/vụ. Nhờ vậy phần lớn thôn, buôn đã tự túc được lương thực với mức bình quân gần 300 kg/người/năm.
Tuy nhiên, Đồng Xuân vẫn còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất. Theo Phòng Dân tộc Đồng Xuân, toàn huyện còn hơn 700 hộ đồng bào thiếu đất với nhu cầu trên 170 ha. Huyện đã lập 5 dự án giải quyết đất sản xuất cho đồng bào theo chương trình 134 của Chính phủ với kinh phí cần hỗ trợ 1.368 triệu đồng. Hiện tại, dự án khai hoang 10 ha tại thôn Phú Lợi (Phú Mỡ) đang được tiến hành san ủi mặt bằng, và đang lập thủ tục chuẩn bị triển khai 3 dự án khai hoang ở Phú Đồng (Phú Mỡ), Phú Tâm (Xuân Quang 1) và Hố Hầm (Đa Lộc) với diện tích 40 ha.
Trưởng phòng Dân tôïc huyện, Phạm Văn Trung cho biết: Phòng Dân tộc huyện phối hợp với chính quyền từng xã, thôn tìm quỹ đất hoang hoá phù hợp với điều kiện sản xuất cho phép, rồi vận động bà con đốt dọn; tiếp đó nhà nước đầu tư khai hoang bằng cơ giới san ủi tạo mặt bằng kết hợp với làm đất và lập hồ sơ chia thửa cấp cho dân thông qua sự bình chọn của người dân trong vùng có sự xác nhận của chính quyền địa phương.
Tuy vậy, ông Trung thừa nhận, việc giải quyết đất sản xuất cho bà con dân tộc của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại do quỹ đất có thể đưa vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả không còn và mức hỗ trợ của nhà nước 5 triệu đồng/ha là quá thấp không đủ để chuộc lại đất hoặc tổ chức khai hoang, phục hóa. Do vậy, Đồng Xuân khó thực hiện trọn vẹn đề án của chương trình 134 trong năm nay.
NGUYỄN TRƯỞNG