Điện thoại cố định VolP được coi là dịch vụ ít đầu tư, phát triển nhanh và lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh viễn thông đều khai thác và đang chạy đua để giành thị phần.
CHẠY ĐUA KHAI THÁC
Điện thoại cố định Volp đang thu hút người sử dụng
Hiện trên địa bàn Phú Yên đã có bốn doanh nghiệp cung cấp loại dịch vụ điện thoại cố định VolP, đó là Bưu điện Phú Yên (NVPT) với mạng 171, viễn thông Quân đội (Viettel Mobile) với mạng 178, Sài Gòn Posttel với mạng 177 và viễn thông Điện lực (E Telecom) với mạng 179 cung cấp dịch vụ VolP trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp khi được cấp giấy phép dịch vụ VolP đều dồn sức khai thác vì dịch vụ này không phải đầu tư nhiều, không tốn nhiều nhân lực nhưng lại có lợi nhuận cao, đặc biệt là dịch vụ VolP quốc tế chiều đến. Ông Lương Mười, Trưởng đài Viễn thông Trung tâm (Bưu điện Phú Yên) cho biết: Các nhà cung cấp mới như Viettel hay Sài Gòn Posttel họ chỉ cần thuê đường truyền của VNPT và đặt một bộ thiết bị viễn thông là có thể kinh doanh dịch vụ VolP giá rẻ cho khách hàng”
Do xuất phát điểm hạ tầng kỹ thuật của hầu hết các doanh nghiệp viễn thông mới còn thấp nên ngoài việc miễn phí thương quyền, ngành bưu điện còn cấp phép cho các doanh nghiệp mới được cung cấp dịch vụ VolP trong nước và quốc tế.
Khi bước vào thị trường Phú Yên, các nhà cung cấp mới đã lên kế hoạch mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ đến tất cả các khu vực từ miền núi, hải đảo của tỉnh để “bành trướng” loại dịch vụ nàyï. Chẳng hạn Viettel đã tận dụng một trạm thu phát sóng mạng di động 098 tại các vùng Sơn Long, Sơn Định (Sơn Hoà), nơi chưa có mạng điện thoại cố định nào vươn tới lắp đặt thêm thiết bị thu phát sóng dịch vụ điện thoại cố định VolP 178 cung cấp giá rẻ cho khách hàng và cứ thế “rủng rỉnh” thu lợi nhuận.
THỊ PHẦN CHUYỂN ĐỔI MẠNH
Hiện nay, với sự góp mặt của nhiều nhà cung cấp VolP, thị phần dịch vụ này đang bị chia sẻ mạnh. Với ưu thế giá cước giảm hơn 30% so với cách gọi thông thường, loại dịch vụ này đang thu hút rất đông khách hàng sử dụng. Hiện Bưu điện Phú Yên vẫn dẫn đầu với khoảng 50% thị phần, tiếp đó là Gài gòn Posttel trên 25%, còn lại là Viettel và E Telecom. Điều đáng nói là chỉ trong vòng 2 năm, thị phần VolP quốc tế do VNPT cung cấp đã liên tục sụt giảm từ 100% thị phần xuống còn trên 40%. Trong đó, lưu lượng chiều đến của dịch vụ 171 chỉ chiếm 35% so với tổng lưu lượng chiều đến trên địa bàn Phú Yên. Theo số liệu thống kê, bình quân doanh thu hai mạng 177 của Gài Gòn Posttel và 178 của Viettel đạt trên 400 triệu đồng/tháng.
Theo đánh giá của ngành Bưu điện, hiện Viettel rất có lợi thế trong việc chiếm lĩnh thị trường và tạo được ấn tượng cho khách hàng với thương hiệu 178 bằng phương thức tính cước block 6 giây. Tuy nhiên, thị trường dịch vụ cố định VolP Phú Yên không thể không nói đến việc các doanh nghiệp mới trong cuộc chạy đua giành thị trường đã có hàng loạt các chính sách khuếch trương dịch vụ, tiếp thị trực tiếp và có nhiều chương trình khuyến mãi lớn như: miễn phí dây cáp đến tận nhà thuê bao, thiết bị, phương thức tính cước block 6 giây. Vì vậy việc các nhà cung cấp mới chia xẻ thị phần với ngành bưu điện cũng là điều dễ hiểu.
Một trong những nguyên nhân khiến ngành bưu điện tuột mất thị trường “ngon ăn” này bởi còn nặng tính chủ quan và chưa thực sự quan tâm đến dịch vụ VolP. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính cho các hoạt động quảng cáo khuyến mãi còn rất nặng nề khiến các đơn vị kinh doanh rơi vào tình thế mắc kẹt khi quảng bá thương hiệu. Mặc dù chất lượng dịch vụ và mạng lưới của ngành bưu điện được khách hàng đánh giá cao, song cơ chế về chăm sóc khách hàng lại bất cập hơn các nhà cung cấp mới, dẫn đến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp khác. Đó là thực trạng chuyển đổi vị thế thị phần cung cấp dich vụ cố định VolP ở Phú Yên hiện nay.
Trước tình hình trên, VNPT đang nghiên cứu đề ra các điều chỉnh trong kế hoạch kinh doanh nhằm giành lại thị phần. Điều này sẽ tạo ra một cuộc đua mới trên thị trường VolP và khách hàng sẽ là tâm điểm mà các nhà khai thác hướng đến.
ĐĂNG NGUYÊN