Khu vực quần thể Hòn Yến, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) có hệ sinh thái biển rất phong phú và đa dạng, nhất là rạn san hô được hình thành từ hàng ngàn năm nay, trong đó có nhiều loài san hô quý hiếm và đẹp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản cũng như sự thiếu ý thức của một số du khách đã khiến rạn san hô Hòn Yến bị uy hiếp nghiêm trọng.
Nhiều người thiếu ý thức
Thời gian gần đây, ngoài tác động của thiên tai mưa bão, sóng biển, nhiều người dân, du khách ngang nhiên giẫm đạp, làm vỡ, chết nhiều loại san hô khiến hệ sinh thái san hô ở Hòn Yến đang bị hư hại, suy giảm nghiêm trọng. Theo người dân địa phương, vào thời điểm thủy triều xuống, những rạn san hô ở khu vực Hòn Yến lộ rõ, đẹp như một bức tranh với nhiều màu sắc, nhưng đây cũng là lúc hệ sinh thái san hô, cỏ biển Hòn Yến bị uy hiếp nghiêm trọng. Nhiều đoàn khách ngang nhiên giẫm đạp lên rạn san hô để chụp ảnh, hoặc tìm đường đi đến những khu vực có san hô đẹp, khiến nhiều rạn san hô bị vỡ vụn.
Ông Hồ Văn Trung, người dân xã An Hòa Hải cho biết: Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, ít du khách đến tham quan Hòn Yến nên rạn san hô ở đây dần được phục hồi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là lúc thủy triều xuống thấp, một số du khách đến Hòn Yến thiếu ý thức, lội xuống rạn san hô để chụp hình, khiến san hô bị hư hại.
Bà Lê Đoan Trang Trúc, du khách đến từ TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), chia sẻ: Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên đến với Hòn Yến. San hô ở đây hình thành trên nền đất đá núi lửa rất lạ, đẹp và quý. Tôi đã tìm hiểu và được biết phải mấy ngàn năm san hô mới kiến tạo và hình thành đẹp như thế này. Tuy nhiên, khâu bảo tồn của địa phương cũng như ý thức của ngư dân và du khách đến đây rất hạn chế. Chỉ tham quan trong thời gian ngắn ở Hòn Yến nhưng tôi đã chứng kiến rất nhiều người cố tình giẫm đạp, ngồi lên rạn san hô. Hiện san hô Hòn Yến đã suy giảm, nếu không có giải pháp bảo vệ khẩn cấp, tôi nghĩ chỉ một hai năm nữa quần thể san hô khu vực này sẽ không còn nữa.
Theo Sở TN-MT, rạn san hô ở vùng biển ven bờ Phú Yên khá đa dạng và phong phú, với khoảng 180 loài thuộc 62 giống và 21 họ. Tổng diện tích rạn san hô phân bố ở vùng biển ven bờ của tỉnh hơn 302ha bao gồm 4 khu vực chính là Bãi Nồm - Vịnh Hòa (hơn 15ha), vịnh Xuân Đài và vùng lân cận (hơn 66ha), An Hòa Hải - An Chấn - Tuy Hòa (hơn 167ha) và Vũng Rô - Hòn Nưa (hơn 54ha).
Khu vực quần thể Hòn Yến, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích quốc gia. Nơi đây có nhiều đặc điểm nổi bật về địa chất, địa mạo, hệ động thực vật tạo nên hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng, có giá trị về văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển du lịch ven biển hấp dẫn. Qua nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, tại khu vực Hòn Yến và phụ cận đã ghi nhận 22 loài san hô thuộc 7 họ. Điển hình trong đó là san hô mềm thuộc họ Alcyoniidae (giống Lobophytum) và san hô lỗ đỉnh Acroporidae với các đại diện là Montipora sp., Acropora spicifera. Một số loài san hô thuộc họ khác như Agariciidae, Merulinidae, Poritidae, Psammocoridae cũng được ghi nhận.
Khẩn cấp bảo vệ
Tháng 11/2019, UBND tỉnh và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga ký ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái tỉnh Phú Yên. Đại tá, PGS.TS Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga) cho biết: Qua hơn 2 năm nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy tại khu vực Hòn Yến và vùng phụ cận ghi nhận 22 loài san hô thuộc 7 họ. Phía tây Hòn Yến có rạn san hô với ưu thế thuộc giống Scleractinia độc đáo, độ phủ tốt và tính phong phú cao, phân bố ở độ sâu không quá 1,5m trong khu vực đới sóng vỗ bờ. Ở độ sâu 3-4m, ghi nhận chủ yếu là các loài san hô mềm. Tuy nhiên, rạn san hô tại đây chưa phải ở trạng thái lý tưởng, ở một số khu vực riêng biệt có nhiều rong tảo biển lớn, độ sâu dưới 1,5m có nhiều san hô mềm, các loại san hô cành thuộc giống Acropora và Porites (san hô tạo rạn) hiếm xuất hiện. Không có các loài cá ăn rong tảo - loài thực vật cạnh tranh và gây ảnh hưởng tới sự tồn tại của rạn san hô. Tại khu vực đồng thời xuất hiện sao biển gai Acanthaster planci ăn san hô, ốc drupella cũng ăn san hô.
Tháng 8/2020, Phú Yên triển khai dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến. Dự án này được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam. Tại huyện Tuy An, một tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Hòn Yến do chính người dân địa phương thành lập đã tăng cường năng lực để bảo vệ hệ sinh thái san hô ở khu vực này. Theo Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Văn Khoa, hệ sinh thái san hô Hòn Yến rất có giá trị, cần phải được bảo tồn nghiêm ngặt. UBND huyện đã tiếp nhận thông tin về tình trạng du khách vô ý thức giẫm đạp lên san hô để chụp ảnh, đây là một hành động không đẹp, cần phải chấn chỉnh và xử lý. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay đó là cần ngăn chặn tình trạng người dân, du khách tự do chụp ảnh ở vùng có rạn san hô. UBND huyện đang chỉ đạo xã An Hòa Hải và các ngành liên quan triển khai các biện pháp bảo vệ, chấn chỉnh tình trạng người dân, du khách giẫm đạp, gây hư hại san hô; đồng thời có giải pháp bảo tồn bền vững, gìn giữ những giá trị quý giá của san hô Hòn Yến.
Hệ sinh thái san hô Hòn Yến rất có giá trị, cần phải được bảo tồn nghiêm ngặt. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay đó là cần ngăn chặn tình trạng người dân, du khách tự do chụp ảnh ở vùng có rạn san hô. UBND huyện đang chỉ đạo xã An Hòa Hải và các ngành liên quan triển khai các biện pháp bảo vệ, chấn chỉnh tình trạng người dân, du khách giẫm đạp, gây hư hại san hô; đồng thời có giải pháp bảo tồn bền vững, gìn giữ những giá trị quý giá của san hô Hòn Yến.
Chủ tịch UBND huyện Tuy An Huỳnh Văn Khoa |
ANH NGỌC