Thứ Bảy, 05/10/2024 14:25 CH
Tiếp tục ưu tiên kiềm chế giảm dần lạm phát
Thứ Tư, 06/08/2008 13:00 CH

* Tung tin đồn tăng giá có thể bị xử lý hình sự

Trong hai ngày 4 - 5/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Nhận định chung của các thành viên Chính phủ tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

chinhphu-080806.jpg

Nổi bật là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 16,1%, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp trong cả 7 tháng tăng lên 16,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tính chung 7 tháng tăng 37,7%, trong đó tăng về số lượng chiếm 12%. Các biện pháp kiểm soát nhập siêu cũng đã phát huy tác dụng. Nếu nhập siêu trong Quý I là 8,3 tỉ USD, bằng 62,4% kim ngạch nhập khẩu thì qua 7 tháng đã giảm xuống 40,7%, riêng nhập siêu trong tháng 7 chỉ còn 800 triệu USD.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận định, với đà kiểm soát nhập siêu như hiện nay thì mục tiêu hạn chế nhập siêu không quá 30% kim ngạch nhập khẩu là khả thi. Chỉ số lạm phát trong tháng 7 tăng 1,13% so với tháng trước là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Tỉ giá, lãi xuất cũng dần đi vào ổn định. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch tăng khá, nhất là doanh thu du lịch tăng hơn 47% so với cùng kỳ. Đầu tư nước ngoài trong 7 tháng tăng hơn 370% với số vốn lên tới trên 45 tỉ USD.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, chưa năm nào nước ta trúng mùa lớn như năm nay. Sản lượng lúa trong cả năm chắc chắn sẽ tăng 1,5 triệu tấn. Trong 7 tháng qua, các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực triển khai các chương trình chính sách đảm bảo an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định đời sống người nông dân và vùng nông thôn; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp PTTH và đợt thi đại học, cao đẳng; tai nạn giao thông trong tháng 7 giảm cả số vụ, số người chết và bị thương...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Những kết quả đạt được trên là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và sự điều hành tích cực của Chính phủ. 6 tháng đầu năm chúng ta đã đạt tăng trưởng 6,5%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7 % trong cả năm 2008 như mục tiêu đã đề ra thì 5 tháng tới phải đạt cho được tốc độ tăng trưởng 7,5%. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá cả trên thế giới biến động khó lường. Mục tiêu đúng, giải pháp cơ bản phù hợp và sự điều hành quyết liệt cần phải kiên định thực hiện. Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tiếp tục ưu tiên kiềm chế giảm dần lạm phát, đảm bảo vốn cho sản xuất, xuất khẩu và các dự án, công trình bức thiết sắp hoàn thành, kiểm soát nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán tổng thể.

Trên tinh thần này, các bộ, ngành và các địa phương dồn sức chỉ đạo, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, nhất là tính toán cắt giảm chi phí, thực hiện tiết kiệm trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu và lãi suất tăng cao, khắc phục tình trạng thiếu điện và thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động sản xuất và xuất khẩu; quyết liệt rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án công trình chưa bức thiết, để dồn vốn đầu tư cho các công trình dự án quan trọng sắp hoàn thành, gắn với thực hiện nghiêm túc cắt giảm chi tiêu thường xuyên; tập trung giải ngân các nguồn vốn đầu tư gắn với tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế triển khai các dự án.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá và thị trường, tính toán cân đối đủ nguồn hàng thiết yếu, dứt khoát không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá. Điều hành chính sách giá phải dựa trên nguyên tắc thị trường nhưng với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát nên từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ không tăng giá điện, giá than bán cho 4 hộ sản xuất lớn, giá nước sạch cho người tiêu dùng và giá xe buýt.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương quyết liệt kiểm soát giảm nhập siêu không quá 30% so với kim ngạch xuất khẩu nhằm cải thiện cán cân thanh toán tổng thể và tăng dự trữ ngoại tệ. Các bộ, ngành liên quan nắm chắc số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán; tăng cường quản lý và đẩy mạnh cổ phần hóa các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế; triển khai các chương trình, chính sách an sinh xã hội đến tận người dân, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực cho người nghèo, đối tượng hưu trí và người thu nhập thấp. Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì xây dựng kế hoạch và làm tốt thông tin, tuyên truyền để toàn dân hiểu và chia sẻ khó khăn trước mắt của đất nước trong quá trình phát triển, thực hiện tiết kiệm tiêu dùng, hạn chế sử dụng các mặt hàng xa xỉ, góp phần cùng Chính phủ kiềm chế giảm dần lạm phát.  

Với tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, Chính phủ đã cho ý kiến về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 151 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước, Nghị định quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, Nghị định về điều chỉnh giá các công trình xây dựng, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai và Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng…Cũng trong phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến về công tác cải cách hành chính, phòng chống, tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo trong tháng 7; tình hình thực hiện và kế hoạch cụ thể để tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các bộ và cơ quan thuộc Chính phủ.

* Việc người dân đổ xô mua xăng chiều 5/8, đã trở thành chủ đề nóng trong buổi họp báo phiên họp thường kỳ Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà và Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đều khẳng định, liên bộ không có cuộc bàn thảo nào về việc tăng giá xăng trong nước. Đây chỉ là tin đồn vì giá dầu thế giới đang giảm, mức 120 USD một thùng. "Tại phiên họp thường kỳ (4-5/8), Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc với dự thảo Nghị định xử phạt hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tung tin thất thiệt. Thủ tướng cũng vừa có công điện yêu cầu xử phạt nghiêm, kể cả xử lý hình sự các hiện tượng tung tin gây rối loạn thị trường", ông Biên cho biết.

Trả lời câu hỏi của báo chí về công tác dự báo xuất khẩu gạo kém, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD, Thứ trưởng Biên cho biết, việc điều hành xuất khẩu gạo do 3 bộ Công thương, Tài chính và Nông nghiệp phối hợp. Diễn biến thị trường thời gian qua thất thường, ngoài dự kiến của cơ quan chức năng. Giá gạo cao đột biến trong một số tuần, nhưng chỉ là giá ảo.

H.NGUYỄN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek