Thứ Bảy, 21/09/2024 12:30 CH
Doanh nghiệp tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất
Thứ Hai, 02/05/2022 10:37 SA

Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ tư từ phải sang) và lãnh đạo TP Tuy Hòa, Tỉnh đoàn tham quan gian hàng trưng bày của Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý tại Liên hoan Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIII-2022 tổ chức ở Phú Yên. Ảnh: LỆ VĂN

Nhận thức rõ KH-CN chính là điều kiện để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Điều này không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn là đòn bẩy đưa sản phẩm địa phương ngày càng vươn xa.

 

Bò một nắng không cần nắng

 

Xuất thân từ một đầu bếp, anh Phan Văn Hổ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý (ở phường 9, TP Tuy Hòa) mong muốn tìm ra những cách chế biến món ăn thơm ngon, giữ được giá trị dinh dưỡng vốn có. Từ những trăn trở ấy, anh Hổ đã mày mò tìm ra cách chế biến nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng đất Phú Yên như: Bò một nắng, bò một nắng ăn liền, chả ram tôm đất, cá ngừ đại dương, mắt cá ngừ đại dương hầm thuốc bắc, chả cá thu… Những món ăn của doanh nghiệp này luôn được khách hàng tin tưởng sử dụng nhờ cách chế biến độc đáo, hương vị thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Anh Hổ chia sẻ, gia đình tôi bắt đầu làm thịt bò một nắng từ năm 2013. Lúc đầu khởi nghiệp, trên thị trường, sản phẩm bò một nắng ở Phú Yên đã có rất nhiều, nên để tạo bước đột phá, ngoài sản phẩm bò một nắng truyền thống, doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, hệ thống công nghệ, hệ thống máy sấy nhiệt bằng than… để cho ra sản phẩm bò một nắng ăn liền. “Nhận thức rõ KH-CN chính là điều kiện để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, vì vậy, tôi đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, hệ thống máy sấy nhiệt bằng than… giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều nhân công và chủ động sản xuất. Nếu như trước đây làm thủ công, phơi dưới nắng trời, cao lắm mỗi ngày chỉ được khoảng 300kg thịt thành phẩm. Nhờ đầu tư hệ thống sấy nhiệt bằng than và không cần trời nắng, mỗi ngày cơ sở cũng sản xuất được từ 500-600kg thịt thành phẩm như ý. Đến nay, sản phẩm này vừa được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021”, anh Hổ cho biết.

 

Cũng theo anh Hổ, ưu điểm lớn nhất của việc áp dụng công nghệ trong chế biến bò một nắng chính là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo sự minh bạch và đem lại niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.

 

Cần mạnh dạn ứng dụng KH-CN

 

Cũng mạnh dạn đầu tư và ứng dụng KH-CN vào sản xuất, thời gian qua, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (TP Tuy Hòa) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản nhằm quản lý và kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, sản lượng chính là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 

Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, cho biết: “Để đưa ra thị trường nguồn sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thì quy trình nuôi phải an toàn, tức là con giống phải sạch, quá trình nuôi sạch, lựa chọn thức ăn cho tôm không sử dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm, ứng dụng công nghệ hiện đại, đến khâu thu hoạch cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Với mục tiêu vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, vừa sản xuất theo quy mô công nghiệp, công ty đã xây dựng quy trình nuôi khép kín, đồng thời ứng dụng công nghệ tự động hóa một số công đoạn sản xuất để mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, việc đầu tư hạ tầng cơ sở đồng bộ từ nhà lưới, hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại đến các trang thiết bị nuôi cũng được công ty chú trọng”.

 

Việc thả nuôi tôm trong nhà lưới giúp đảm bảo an toàn sinh học; chống nóng, chống lạnh cho tôm; hạn chế chênh lệch nhiệt độ, biến đổi đột ngột của thời tiết; ao nuôi tôm không bị phân tầng nước vào những ngày mưa lớn; giảm sự ảnh hưởng từ yếu tố môi trường. Hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản góp phần quan trọng trong công tác kiểm tra chất lượng các yếu tố đầu vào, giám sát yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trong quá trình sản xuất và kiểm định được sản phẩm đầu ra đảm bảo chỉ tiêu an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, tự động hóa một số khâu như: cho tôm ăn, đo các thông số môi trường… giúp quản lý tốt quá trình nuôi và giảm đáng kể nhân công.

 

Với những thành quả đạt được, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc được Bộ NN-PTNT công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lĩnh vực hoạt động sản xuất giống và nuôi tôm công nghiệp; Sở KH-CN Phú Yên cấp chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN và được UBND tỉnh công nhận là Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng nhiều giải thưởng danh giá từ các cơ quan, ban ngành khác…

 

Theo Sở KH-CN, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp được công nhận Doanh nghiệp KH-CN. Đó là, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hoàng Long Vina, Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ iNUT, Công ty CP VinaCrab. So với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, số lượng doanh nghiệp KH-CN như vậy là rất khiêm tốn, khi mà KH-CN đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Việc các doanh nghiệp chủ động ứng dụng KH-CN đang là con đường hoàn toàn đúng đắn. Ứng dụng KH-CN vào sản xuất được coi là thước đo để các doanh nghiệp nhìn nhận, tìm ra sự khác biệt trong nội tại cơ cấu, hoạt động của mình trước và sau khi ứng dựng KH-CN. 

 

Thời gian qua, ngành KH-CN tỉnh đã nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH-CN ở hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp, từ công tác chọn tạo giống trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như: lúa, sắn, tôm hùm, tôm thẻ, cá chình, bò vàng… đến hoàn thiện kỹ thuật canh tác trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị chuỗi cung ứng. Hiện Sở KH-CN đã chỉ đạo đơn vị chức năng tích cực phối hợp với địa phương chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật thông qua các mô hình thí điểm; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, qua đó tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, Sở KH-CN chú trọng hướng dẫn các đơn vị xây dựng thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm như: Cá ngừ đại dương Phú Yên, nước mắm Phú Yên, muối Tuyết Diêm, rượu Quán Đế, bánh tráng Hòa Đa, bò một nắng Phú Yên, sò huyết Ô Loan, dứa Đồng Din, tiêu Sơn Thành… Qua đó góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu ra thị trường ngoài tỉnh, ngoài nước.

 

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN

 

VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek