Bộ Công thương vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, rà soát các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có trong quy hoạch, kể cả các dự án đã vận hành và các dự án chưa đưa vào vận hành tính đến tháng 2/2022.
Đối với các dự án đã vận hành, Bộ Công thương đề nghị rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã vận hành, đánh giá tình hình vận hành khai thác các nhà máy, các khó khăn, vướng mắc (nếu có). Đối với các dự án chưa vận hành, Bộ Công thương đề nghị rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có quy hoạch nhưng chưa đưa vào vận hành, cập nhật tình hình triển khai thực hiện chi tiết và tiến độ dự kiến vận hành; đánh giá nguyên nhân chưa vào vận hành của các dự án: khó khăn, vướng mắc về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, năng lực đầu tư, tài chính...; đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện các dự án (thay thế hoặc loại bỏ quy hoạch nếu cần thiết...).
Trước đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đến hết năm 2020, tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà là 16.500MW. Trong đó nguồn điện mặt trời nối lưới đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000MW; gần 8.000MW điện mặt trời mái nhà đã được vận hành đến hết năm 2020.
Trong khi đó, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện mặt trời tập trung và phân tán trên mái nhà chỉ đặt ra là khoảng 850MW vào năm 2020, khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW vào năm 2030.
Các dự án điện gió đã vận hành trên toàn quốc đến nay là khoảng hơn 4.000MW. Tuy nhiên, con số đã bổ sung quy hoạch và đang nghiên cứu đầu tư lớn hơn nhiều. Trong khi đó, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện gió chỉ đặt ra khoảng 800MW vào năm 2020, khoảng 2.000MW vào năm 2025 và khoảng 6.000MW vào năm 2030.
Theo VNN