Liên tiếp tăng cao, xô đổ mọi kỷ lục từ trước đến nay, giá vàng SJC sáng 8/3 có lúc đã vượt mốc 74 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới chiều cùng ngày cũng bật tăng lên hơn 2.000 USD/ounce, thu hẹp khoảng cách với giá vàng trong nước còn hơn 16 triệu đồng/lượng, thấp hơn mức 18 triệu đồng/lượng của ngày 7/3.
Chiều 8/3, chị Phạm Thị Minh Thư ở TP Tuy Hòa đến tiệm vàng mua 4 chỉ vàng nhẫn để trả cho người thân. Chị Thư cho biết: Trước tết, tôi đã muốn mua vàng để trả nợ cho xong nhưng có người tư vấn chờ sau mùng 10 tháng Giêng (ngày vía Thần tài), giá vàng sẽ hạ, lúc đó mua có lợi hơn nên tôi đợi. Không ngờ, sau ngày này, vàng không những không hạ mà ngày càng tăng chóng mặt. Tôi sốt ruột quá nên đi mua luôn, sợ vài ngày nữa vàng tăng cao hơn thì khổ.
Vừa bán được lô đất, muốn chuyển bớt một phần tiền sang đầu tư vàng, nhưng chị Đ.T.A ở phường 8, TP Tuy Hòa lại cứ chần chừ khi thấy giá vàng tăng nóng trong những ngày qua. Theo chị A, chị muốn đa dạng danh mục đầu tư thay vì chỉ tập trung vào đầu tư đất như trước đây nhưng theo dõi thấy giá vàng hiện nay đang quá cao, chị nghĩ mua vào không có lợi. “Giá vàng trong nước tăng dựng đứng trong khi giá vàng thế giới những ngày qua vẫn có những phiên giảm. Thêm vào đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày một cao, tôi thấy quá rủi ro khi mua vàng để đầu tư trong lúc này”, chị A chia sẻ.
Lo ngại của chị A không phải là không có căn cứ khi thời gian qua, giá vàng trong nước có những thay đổi không đồng bộ với giá vàng thế giới. Cụ thể, khi giá vàng thế giới giảm thì vàng trong nước chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm. Ngược lại khi giá kim loại quý này bật tăng thì giá vàng miếng càng tăng nhanh hơn. Hoặc có những phiên giá vàng thế giới nhích lên, giá vàng trong nước lại đột ngột lao dốc.
Điển hình như trong ngày 8/3, buổi sáng, bất chấp thị trường kim loại quý thế giới đảo chiều giảm gần 10 USD/ounce, các doanh nghiệp vàng trong nước vẫn tăng giá bán. Lúc 9 giờ ngày 8/3, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá ở mức 71,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 73,6 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng so với mức đóng cửa hôm qua. Chưa đầy nửa tiếng sau, SJC điều chỉnh giá mua vào tăng thêm 600.000 đồng còn bán ra tăng 400.000 đồng mỗi lượng, lần lượt lên 72,4 triệu đồng/lượng và 74 triệu đồng/lượng. 15 phút sau, giá mua vào được đẩy lên 72,8 triệu đồng/lượng và bán ra 74,4 triệu đồng/lượng.
Đến trưa 8/3, giá vàng trong nước tiếp tục ngược dòng thị trường vàng thế giới khi các doanh nghiệp vàng đột ngột điều chỉnh giá giao dịch xuống sâu bất chấp vàng thế giới nhích lên 1.996 USD/ounce - thu hẹp đáng kể biên độ giảm so với lúc sáng. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC lúc 13 giờ niêm yết giá bán ra 72,2 triệu đồng/lượng, giảm 2,2 triệu đồng/lượng so với thời điểm lập đỉnh; còn giá mua vào giảm 2,4 triệu đồng/lượng, xuống còn 70,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên không lâu sau đó, giá vàng SJC lại nhích dần lên. Đến 17 giờ chiều 8/3, giá vàng SJC lại giảm nhẹ, mua vào còn 70,2 triệu đồng/lượng, bán ra 72 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, ngày 8/3, giá vàng nhẫn 999,9 trên thị trường vẫn ổn định ở mức 5,55 triệu đồng/chỉ (mua vào) - 5,67 triệu đồng/chỉ (bán ra), tăng 20.000 đồng/chỉ so với hôm 7/3.
Lý giải sự thay đổi không đồng bộ của giá vàng SJC so với giá thế giới, chủ một số tiệm vàng ở TP Tuy Hòa cho hay, giá vàng SJC thời gian qua có dấu hiệu bị làm giá. Khi xuất hiện nhu cầu mua cao, các tiệm vàng lớn ở hai đầu đất nước lập tức đẩy giá vàng miếng lên cao, và ngược lại, khi có lực bán thì giá hạ dần. “Tình hình căng thẳng ở Ukraina những ngày qua cũng khiến giá vàng tăng cao. Đồng thời do nguồn cung vàng SJC có hạn, tâm lý dùng vàng để làm tài sản trú ẩn khiến lực mua tăng, làm khan hiếm mặt hàng này và góp phần đẩy giá vàng SJC đi lên”, ông Nguyễn Thành Tín, chủ DNTN Kinh doanh vàng Hồng Đức (TP Tuy Hòa) phân tích.
Ngược lại với sự “nhảy múa” của giá vàng, thị trường giao dịch kim loại này khá bình ổn. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh vàng Kim Thạch Bích (TP Tuy Hòa) cho biết: Những ngày qua, giao dịch mua bán vàng diễn ra chủ yếu phục vụ nhu cầu thực tế của người dân chứ không có dấu hiệu đầu cơ. Đa phần người dân theo dõi, chờ đợi diễn biến giá vàng tăng/giảm chứ không mạnh tay xuống tiền mua vào hoặc mạnh dạn bán ra hết để chốt lời. Ngoài ra, để tránh rủi ro, một số người chuộng mua vàng nhẫn 999,9 vì giá vàng này tiệm cận với giá vàng thế giới, không chênh lệch quá lớn như giá vàng SJC.
Theo các chuyên gia, diễn biến giá vàng hiện nay rất khó đoán, giá vàng có thể đi lên khi Nga và Ukraina giao tranh nhưng cũng có thể lao dốc ngay khi hai bên đạt được thỏa thuận. Do vậy, người mua vàng lúc này nên cân nhắc giữa rủi ro và lợi nhuận, nhất là khi người mua vàng trong nước còn chịu rủi ro kép là chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, có thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng và khoảng cách giữa giá mua - bán lên đến gần 2 triệu đồng/lượng. |
LÊ HẢO